Bố mẹ và tôi đều là giáo viên, gia đình cơ bản. Tôi ngoài 30 tuổi, có hai con gái, 4 và 6 tuổi. Khi học xong đại học ở miền Nam, tôi ra Bắc làm việc. Khi đó tôi là một người vô tư, chưa hiểu nhiều về cuộc sống và đã chọn nhầm chồng. Một năm yêu nhau, chúng tôi vượt quá giới hạn. Sau này, nhận thấy anh nóng tính và nghề nghiệp tự do không hợp với mình, tôi chia tay nhưng không thành. Vì lo sợ bị trả thù nên chấp nhận đám cưới với niềm tin anh sẽ thay đổi và ra ở riêng như anh hứa. Sau khi cưới, tôi ở cùng gia đình chồng. Bố mẹ chồng làm hàng thủ công, chồng nghỉ việc phụ ông bà. Mẹ chồng quản tiền chặt nên bố và chồng tôi rất tù túng, không có tiền tiêu vặt. Bố chồng tôi là người gia trưởng, quyền lực và thích áp đặt con cái. Ông bà không muốn con trai ra ngoài làm. Cả ba người rất hay cãi nhau, nói những lời thô tục, đánh nhau,... Ở cùng tôi mới hiểu chúng tôi có sự khác nhau quá lớn về văn hóa, nhận thức. Chồng tôi còn hay đi chơi về muộn, vô tâm với vợ. Không có tiền đưa vợ đã đành, anh cũng chẳng cần quan tâm vợ bầu bí, khóc, buồn hay cô đơn ra sao. Tôi nhỡ có bầu tiếp, ba năm sinh mổ hai con và còn bị đánh 5-6 lần.

Ảnh minh họa: Internet

Sau 3 năm, dù cả nhà chồng không đồng ý, tôi vẫn quyết ra ngoài thuê trọ. Tôi luôn trong tình trạng hốc hác, xuống sức vì một mình gánh vác việc gia đình. Đổi lại, cuộc sống có tự do, nhiều thuận lợi như đi lại, học hành... nên tôi cố gắng. Theo bạn bè nhận xét, tôi tốt tính, nhẹ nhàng, chăm lo gia đình. Lương của tôi chỉ được 6 triệu/tháng. Ở trọ, chồng tôi đi làm tiếp thị, tính nôn nóng, thiếu kiên nhẫn nên không thể làm quản lý. Đối với con cái và vợ, anh hay nói kiểu ra lệnh, không chủ ngữ, thi thoảng phũ miệng, nạt nộ, hoặc bạo lực. Dạy con kiểu thể hiện cái uy mà không hiểu tâm lý trẻ, ít chơi với trẻ, bản thân không làm gương nên các con không gần gũi bố. Đối với công việc gia đình, tháng chỉ được mấy ngày chia sẻ cùng tôi.

Chồng có thói quen thay quần trước mặt các con, đánh hơi liên tục, lúc nào cũng vội vàng, hấp tấp, mặt mũi hay cau có, than phiền. Ngược lại, ra ngoài bóng mượt, nước hoa thơm phức. Mỗi tháng chờ khi tôi nhắc nhở, anh đưa cho tôi 4-5 triệu, đây là vấn đề tế nhị mà tôi đã bị tổn thương vô cùng, nên nhắc tới tiền, tôi chỉ cần anh đóng đủ sinh hoạt mỗi tháng, thiếu đâu tôi phải tự lo. Khi có mâu thuẫn, tôi khóc hay buồn, anh đều mặc kệ, tôi bảo nói chuyện trực tiếp anh không nghe, thích nhắn tin, hứa thay đổi, rồi đâu lại vào đó. Cuộc sống của chúng tôi là không hoa, quà, không quỹ chung, không chia sẻ được gì về dự định tương lai, anh chỉ có ý định sau này về quê chứ không mua đất, xây nhà bên thành phố. Tôi muốn làm ngơ mà sống, nhưng lại sợ hai con bị ảnh hưởng không tốt từ bố chúng. Gia đình nghèo về tinh thần, vật chất nên các cháu khá thiệt thòi, các con hay hỏi tôi, sao bố hay đi chơi, về muộn, sao bố mắng mẹ, sao mẹ khóc... Tôi nói dối rằng, bố bận đi làm, hay mẹ bị đau bụng thôi.  

Phía gia đình chồng, ông bà nội và tôi không có mâu thuẫn gì to tát, tuy nhiên có nhiều điều tôi cũng mệt mỏi. Như cuối tuần, 3 mẹ con tôi về trong ngày hoặc chỉ có trẻ về quê thì ông bà không thích, phải ngủ lại hoặc về 2 ngày. Bố chồng tôi tuy bề ngoài vui vẻ, nhưng khi say, ông hay nói sau lưng việc tôi ra ngoài ở trọ, chuyện tôi đi du lịch theo vé đặt trước đúng vào ngày giỗ cụ,... 28 Tết chưa thấy tôi về quê là ông bà bực, nói với chồng tôi rồi anh ấy sang quát tháo mẹ con tôi ầm ĩ. Tôi về Tết ngoại mùng 2, mùng 7 nhà chồng gọi về vì ông chú ruột ở xa về ăn Tết. Về tới nơi, bố chồng và chú chồng nói không hài lòng vì ở nhà ngoại gì mà lắm thế, hết cả Tết rồi,... Vì nhà ngoại xa, con nhỏ, mỗi lần về, tôi ở ít nhất 3-4 ngày, hè thì 1-2 tuần, nhưng ông bà bắt phải xin phép, và trong lòng không thích mẹ con tôi về nhiều như thế.  Ông bà vẫn hy vọng sau này tôi sẽ về quê ở.

Bị tổn thương nhiều nên tôi không còn tình cảm, sự tôn trọng, tin tưởng với chồng. Tôi hay tủi thân, so sánh với đồng nghiệp, có lúc cảm thấy mình như bị trầm cảm vì sự cô đơn và những áp lực của cuộc sống. Anh không muốn ly thân, ly hôn, nếu có thì phải để hai con lại cho anh. Còn tôi, tôi sợ mất con, không đủ kinh tế nuôi con, bố mẹ đẻ buồn và danh dự bản thân, gia đình bị ảnh hưởng. Tôi có thể gửi ông bà ngoại một đứa, vì ông bà là giáo viên về hưu, tuy nhiên, tôi e sợ phía nhà chồng sẽ giành con bằng được, và chồng tôi vốn nóng tính, ở cùng một thành phố, kiểu gì anh ta cũng đến gây khó dễ cho tôi. Bố mẹ tôi đều là nhà giáo nên ông bà cư xử đúng mực, luôn tôn trọng con rể. Nghe tôi tâm sự, ông bà dù rất thương con gái nhưng không muốn tôi ly hôn, chỉ động viên tôi cố gắng. Vậy tôi phải làm sao để tự giải thoát cho chính mình và hai con? Mong nhận được sự tư vấn của chuyên gia và các bạn.

Thương

Nhà tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:

Chào Thương

Mới đọc xong thư của bạn tôi nhận thấy bạn đang trong hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc hôn nhân của bạn có nhiều mâu thuẫn và xung đột, đỉnh điểm là việc chồng bạn đánh bạn, không quan tâm đến tình cảm, cảm xúc và nhu cầu của bạn. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách tổng thể trong hoàn cảnh của bạn cũng có nhiều điểm sáng, tích cực. Ví dụ việc ban đầu nhà chồng không cho bạn ra ở riêng nhưng đến nay vợ chồng và các con đã tách ra ở riêng; chồng bạn dù công việc tự do nhưng mỗi tháng vẫn đưa bạn từ 4 – 5 triệu đồng để bạn chi tiêu. Đó là số tiền không lớn nhưng nó cho thấy chồng bạn vẫn có khả năng lao động và đóng góp kinh tế cho gia đình.

Việc anh ấy không quan tâm đến bạn, không hiểu cảm xúc của bạn và đi chơi muộn xuất phát một phần từ tính cách của anh ấy, một phần xuất phát từ cách hai vợ chồng bạn giao tiếp với nhau trong cuộc sống hàng ngày và một phần từ phía bạn. Bây giờ các con bạn đã lớn, hai vợ chồng ở riêng bạn có thể nói chuyện, tâm sự, gần gũi và ngọt nhạt với chồng để anh ấy đảm nhận thêm những vai trò trong gia đình và giúp bạn nhiều hơn trong việc làm kinh tế và các công việc gia đình. Nếu bạn thực sự không còn yêu chồng nữa, tình yêu giữa hai người đã hết, cuộc hôn nhân của bạn không còn cách nào cứu vớt, bạn có thể ly hôn. Một cuộc ly hôn thành công đòi hỏi bạn phải mạnh mẽ. Bạn nên nhờ những người thân như bạn bè, anh em ruột thịt gặp và nói chuyện với chồng về việc ly hôn.

Chúc bạn sớm đưa ra quyết định dứt khoát, một là tiếp tục cuộc hôn nhân và khắc phục nó bằng cách thương lượng với chồng để anh ấy có trách nhiệm hơn, hai là ly hôn, tránh để cuộc hôn nhân tiếp tục như hiện tại.