Ngày 1/9, Bộ Y tế cho biết số ca Covid mắc mới là 2.680, cao hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 8. Trong khi đó, tổng số ca mắc mới 7 ngày qua ở nước ta là khoảng hơn 18.400, trung bình gần 2.700 ca/ngày, có những ngày vọt lên hơn 3.500 ca.

Số bệnh nhân nặng cũng tăng, trung bình hơn 100 ca/ngày, có ngày lên đến gần 140 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng chỉ vài chục ca, có ngày dưới 20. Số trường hợp tử vong cũng tăng lên, ngày 30/8 ghi nhận 4 ca. Một số chuyên gia đánh giá số ca mắc trong thực tế có thể cao hơn nhiều lần so với con số được ghi nhận chính thức, do nhiều người dân tự điều trị tại nhà, không khai báo y tế.

Trong bối cảnh hiện nay, người mắc Covid có thể khai báo với y tế địa phương hoặc khai báo y tế điện tử hàng ngày về tình trạng bản thân và vấn đề liên quan. Bệnh nhân Covid-19 vẫn phải cách ly tại nhà, ở phòng riêng, thông thoáng, có nhà vệ sinh riêng, đảm bảo các tiêu chí ăn uống, sinh hoạt.

Cụ thể, nơi ở thông thoáng, có cửa sổ, khu vệ sinh riêng (chỉ sử dụng quạt, không nên dùng điều hòa. Nếu dùng, nhiệt độ nên từ 27-28 độ C trở lên). Chuẩn bị đồ dùng vệ sinh cá nhân, thùng rác riêng, quạt máy, bình đun nước siêu tốc, khẩu trang, găng tay, bát đũa, bột giặt...

F0 khi cách ly theo dõi tại nhà không được rời khỏi phòng riêng, giữ khoảng cách trên hai mét với người thân, đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt. Với những người tình trạng bệnh đã ổn định, vẫn phải tự theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ mỗi ngày.

Các dấu hiệu bất thường cần liên lạc ngay cho nhân viên y tế như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít khi hít vào. Nhịp thở tăng, ở người lớn là từ 21 lần/phút. Trẻ từ một đến dưới 5 tuổi là từ 40 lần/ phút; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là từ 30 lần/phút.

Lưu ý, khi đếm nhịp thở trẻ em cần đếm đủ trong một phút khi trẻ nằm yên, không khóc. Mỗi một chu kỳ nhịp thở được tính là một lần hít vào thở ra.
 
Một số dấu hiệu khác như SpO2 dưới 95% (nếu có máy đo và đo chính xác). Huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc huyết áp tối thiếu trên 60 mmHg, nếu có thể đo. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu. Tím môi, tím đầu ngón tay, móng chân, da xanh, nhợt nhạt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân. Trẻ có thể sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngon tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết.

Người mắc bệnh nền như đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn và thận mãn tính... nhiễm Covid-19 cần được theo dõi sát sao, thậm chí tới bệnh viện. Tất cả các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh trên cả nước đều hoạt động 24/24h trong dịp nghỉ lễ.

Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, trong đó có gói thuốc A, B. Ảnh:Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM. 

F0 cần chuẩn bị một số loại thuốc quan trọng như thuốc hạ sốt, tiêu hóa, dạ dày, tiêu chảy, chữa đau họng, dầu xoa, oresol, nước muối súc miệng, xịt mũi, các loại tăng sức đề kháng nhất là Vitamin C, Vitamin D3. Nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo oxy trong máu (không bắt buộc).

Bệnh nhân Covid-19 cần giữ tinh thần lạc quan, ăn uống đầy đủ, tránh lo sợ dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. F0 tại nhà cần tập thở, tư thế nghỉ ngơi, luyện tập tại giường hay bài tập tăng thể lực, rèn luyện sức bền để nâng cao sức khỏe.

Việc xông lá, tinh dầu làm dịu triệu chứng hô hấp, dịu thần kinh, giảm đau nhức nhưng không thể chữa khỏi Covid-19, không nên lạm dụng. F0 cách ly tại nhà nên tắm bằng nước ấm, nếu chưa có điều kiện tắm thì nên lau bằng nước ấm.

Khi điều trị tại nhà, F0 không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng đông mà tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Các chuyên gia khuyến cáo Covid-19 có rất nhiều chủng virus khác nhau. Bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh cũng có thể tái nhiễm các chủng virus khác. Do đó, F0 khỏi bệnh vẫn phải tuân thủ tốt khẩu trang và sát khuẩn, tự bảo vệ mình.