Ba chồng của tác giả và cháu nội (con gái của tác giả)

Đầu tiên là cách mời trước bữa ăn. Ở nhà tôi, trước khi ăn mời ông bà ba mẹ, đông đủ rồi thì ăn. Nhà chồng lại khác, lên mâm cơm, người nhỏ mời từng người lớn, xong hết mới bắt đầu cầm đũa. Dù các thành viên đã dùng bữa, mình ăn sau, vẫn mời. Câu mời có đầu có đuôi “Con mời bố xơi cơm”, chứ không phải “Ba ơi, vô ăn cơm” như ở nhà tôi. Khi ăn nhẹ nhàng từ tốn, tránh gây ra tiếng động, có chuyện gì đợi ăn xong mới nói. Sau bữa cơm, mọi người ngồi lại uống nước, ăn bánh, thong thả chuyện trò. Bữa ăn đôi khi kéo dài 2, 3 tiếng đồng hồ.

Mọi người nói chuyện với nhau lễ phép, một tiếng thưa hai tiếng gửi. Đợi người khác nói xong mới đến lượt mình. Lúc nói chậm rãi, không hấp tấp vội vàng. Ba chồng tôi khi kể chuyện luôn mở đầu “chuyện là vầy” hoặc “như thế này nhé”. Nói chuyện với người ngoài, nhỏ tuổi hơn vẫn “vâng ạ”, dù nay ba đã ngoài 80 tuổi. Ba bảo đó là cách nói chuyện của người Hà Nội từ xưa đến nay.

Ba dạy con cháu trong nhà cư xử văn minh, lịch thiệp trong từng hành động nhỏ, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, không tranh cãi, không hơn thua. Ba nhắc mọi người từ tốn, chậm rãi trong giao tiếp, trong hành xử cũng như quyết định. Ảnh hưởng phong cách của ba, tôi dần khắc phục được cái tính nhanh nhảu đoảng.

Mọi người thẳng thắn với nhau, không xu nịnh, không lấy lòng cũng tránh mỉa mai. Ba kể, một lần được mời đi ăn, chủ nhà hỏi, anh thấy ngon miệng không. Ba thấy không ngon nên bảo, rượu ngon, trà thơm, chứ không khen lấy lệ.

Ba dạy con cháu trong nhà đi đứng khoan thai. Ba chọn lối sống bình dị mà chỉn chu. Mọi người trong nhà không lòe loẹt theo mốt, ăn mặc đúng tuổi đúng thì, đơn giản, gọn gàng, không bao giờ để đầu bù tóc rối, áo quần nhăn nheo ra đường. Cánh đàn ông bước ra ngoài thì mặc áo có cổ, quần dài; trời nóng thì mặc quần ngang gối, tuyệt đối không mặc quần cộc, càng không để mình trần ra khỏi phòng.

Các bà, các bác trong gia đình đa phần đều giỏi nữ công gia chánh, đặc biệt mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon. Những dịp lễ tết hay khi đại gia đình tập trung, kẻ nấu ăn, người làm bánh, mỗi người 1 món đủ mâm mỹ vị. Tôi ghiền món bún thang và món phở mẹ nấu. Giờ mẹ không còn, cả nhà vẫn nhắc cái hương vị đặc biệt, không tìm đâu ra trong món ăn của mẹ.

Những chiếc áo len, đến mùa đông được đem ra, nhắc nhau kỷ niệm, áo này cô Hảo đan, áo kia cô Hương móc. Chồng tôi còn giữ chiếc áo thun trắng nay đã ố vàng, trên đó vẽ các nhân vật hoạt hình sinh động, do chính tay cô Hồng - em của ba - vẽ tặng các cháu.

Ba sống kín đáo. Cửa nhà luôn đóng để giữ sự yên tĩnh và riêng tư trong nhà. Mẹ chồng lúc sinh thời thỉnh thoảng qua lại giao lưu với hàng xóm láng giềng, về nhà cũng kể chuyện ông A, bà B ở đầu đường cuối ngõ, nhưng luôn giữ chừng mực cho mình và cho người khác. Câu chuyện sau bữa cơm, nếu con cháu đứa nào có chiều hướng bình phẩm, khen chê, ba sẽ đằng hắng “mỗi người có cách sống riêng của họ”, mọi người lập tức chuyển sang những vấn đề vui vẻ.

Ba coi trọng gia đình và truyền thống. Cuộc sống hiện đại, nỗi lo cơm áo gạo tiền kéo mỗi người đi mỗi ngả. Nhưng đến ngày giỗ kỵ mọi người đều quay về, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên, để mọi người nhớ cội rễ của mình, để anh chị em, họ hàng được gần gũi, sẻ chia.

Sau nhiều năm, tôi dần quen nếp sinh hoạt trong gia đình chồng. Tôi thầm cảm ơn ba đã giữ gìn nếp sống của người Hà Nội đến tận bây giờ, để dẫu có đi xa, những tính cách tốt đẹp ấy vẫn được truyền thừa cho cháu con.