Trước đó, chị N. bỗng xuất hiện triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường nên đi khám tại bệnh viện Từ Dũ. Qua xét nghiệm xác định nữ bệnh nhân bị UTCTC với kích thước khối u tầm 2x3 cm. Chị N được chuyển sang bệnh viện Ung bướu TPHCM điều trị.

Xuất hiện nhiều trường hợp rất trẻ mắc ung thư cổ tử cung

Ngày 13/12, chị N đã được các bác sĩ bệnh viện phẫu thuật cắt bỏ tử cung, nạo hạch, sức khỏe chị N đang tiến triển tốt. Dự kiến sau khi ổn định, bệnh nhân tiếp tục được kiểm tra đánh giá có cần xạ trị sau mổ hay không.

Bệnh nhân trẻ tuổi thứ hai bị UTCTC mà từ trước tới nay bệnh viện Ung bướu TPHCM ghi nhận được cách đây 3 tháng là chị L.T.H.N (23 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp). Tuy còn rất trẻ nhưng bệnh nhân này lại phát hiện bệnh ở giai đoạn khá trễ (giai đoạn IIA1), khối u khá lớn nên buộc phải tiến hành xạ trị thu nhỏ lại thì mới phẫu thuật. Chị L.T.H.N đã được phẫu thuật cắt bỏ tử cung, nạo hạch và tiếp tục được điều trị với kết quả khả quan. 

Trước đó, kỷ lục người mắc UTCTC trẻ tuổi ở bệnh viện Ung Bướu TPHCM ghi nhận qua 25 năm lần lượt thuộc về hai nữ bệnh nhân 26 tuổi và 28 tuổi, gia đoạn IIA.

Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng, bệnh viện Ung bướu TPHCM đã tiếp nhận và điều trị 4 ca ung thư cổ tử cung trong độ tuổi được xem là rất trẻ đối với loại bệnh ung thư này. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trưởng khoa Ngoại 1 bệnh viện Ung Bướu TPHCM lý giải, như y văn giải thích, nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung được xác định là do vi-rút HPV gây ra. Loại vi-rút này thường lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục, qua tiếp xúc với dịch chứa vi-rút…

Điều đáng lưu ý là vi rút HPV diễn tiến gây ung thư cổ tử cung phải trải qua quá trình từ 10 đến 20 năm trong trường hợp thông thường. Vì vậy, thường thì ung thư cổ tử cung sẽ gặp ở độ tuổi trung niên, tiền mãn kinh… chứ ở độ tuổi từ 20-30 thì trước đây ít gặp, trừ khi có các tác nhân nào đó khiến cho quá trình diễn tiến nhanh hơn.

Theo bác sĩ Tiến, UTCTC giai đoạn IA, IB là giai đoạn các tế bào ung thư còn giới hạn ở các mô của cổ tử cung, chưa di căn xa. Giai đoạn IIA và IIB là giai đoạn các tế bào ung thư đã lan rộng xuống âm đạo hoặc sang mô quanh tử cung. Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung chủ yếu vẫn là phẫu trị hoặc xạ trị hoặc kết hợp cả hai. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ tùy theo vào thể trạng của người bệnh và chỉ định của bác sĩ.

Ca phẫu thuật cắt u cổ tử cung cho bệnh nhân 23 tuổi ở bệnh viện Ung Bướu TPHCM

UTCTC có giai đoạn tiền khởi thường diễn tiến âm thầm, không gây đau đớn, sẽ khó phát hiện được nếu người phụ nữ không đi khám và làm xét nghiệm PAP. Dấu hiệu UTCTC chỉ có thể xuất hiện khi tế bào bất thường ở cổ tử cung trở thành ung thư và xâm lấn vào các mô bên cạnh. Khi điều này xảy ra thì triệu chứng thường gặp nhất là ra máu âm đạo bất thường ngoài chu kỳ kinh, ra máu sau khi quan hệ tình dục hoặc ra máu sau mãn kinh.

Bệnh nhân có thể có kinh nguyệt kéo dài hơn và số lượng máu kinh nhiều hơn bình thường. Ra máu, ra nhiều khí hư sau khi mãn kinh cũng có thể là một triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Điều quan trọng là người phụ nữ phải đến khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Ngày nay, 84% trường hợp UTCTC là ở các nước đang phát triển. Ở các nước này, UTCTC là bệnh lý đứng hàng thứ hai về bệnh suất (15,7/100.000 phụ nữ) và đứng hàng thứ ba về tử suất (8,3/100.000). Riêng tại Việt Nam, theo GLOBOCAN (thuộc tổ chức ung thư toàn cầu) 2012, UTCTC có bệnh suất và tử suất lần lượt là 10,6/100.000 phụ nữ và 5,2/100.000 phụ nữ (tức khoảng hơn 5.000 ca mắc UTCTC và 2.500 ca tử vong).