Ở nhà một mình

Cách đây gần một năm, luật sư Ngọc Nữ tiếp nhận một vụ trẻ bị xâm hại bởi chính cha ruột của mình. Nhận cuộc điện thoại báo tin về vụ việc, bà đau đớn muốn rụng rời tay chân.

Hoàn cảnh của cháu bé này cũng rất tội nghiệp. Cha mẹ cháu ly hôn, sợ bé ở với mẹ sẽ bị cha dượng xâm hại nên họ quyết định cho bé theo cha. Nào ngờ, cháu bé bị chính cha ruột xâm hại.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ. Ảnh: NVCC

Một trường hợp khác luật sư Ngọc Nữ cảm thấy vô cùng trăn trở để đưa kẻ đồi bại ra ánh sáng.

Cha mẹ cháu bé ly hôn, cháu được ở với mẹ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu mẹ có người đàn ông mới. Người này tỏ ra săn sóc hai mẹ con, cứ 3h sáng, anh ta đến chở bà mẹ ra chợ đầu mối mua rau về bán hàng.

Bà mẹ tin tưởng giao chìa khóa nhà cho người tình mà không biết sau đó 4h sáng, hắn trở về nhà trọ và làm chuyện đồi bại với đứa con gái bé bỏng của chị.

Sự việc diễn ra trong nhiều tháng trời mà người mẹ không hề nghi ngờ. Chỉ cho đến khi cháu bé bị bệnh lậu, nói với bà nội, bà dắt cháu ra công an tố cáo thì việc “tày đình” mới vỡ lở. Chỉ vì sự vô tâm, mù quáng của người mẹ mà đẩy con gái mình đến “miệng cọp”.

Mẹ biết con bị xâm hại mà không tố cáo, vì đâu nên nỗi?

Theo luật sư Ngọc Nữ, ngoài lý do ly hôn, gia đình tan đàn xẻ nghé thì thực tế đã có trường hợp trẻ bị xâm hại chỉ vì mẹ bị bạo hành, sợ hãi bỏ đi nhưng không mang con theo. Con ở nhà một mình với cha. 

“Khi đó, người cha nhậu say xỉn về nhà, ôm con, không làm chủ được hành vi và xâm hại chính con mình. Mẹ vắng nhà, đứa trẻ đơn độc, bị người cha khống chế, không thể kháng cự khi bị xâm hại”, luật sư Ngọc Nữ bức xúc.

Trẻ bị xâm hại sẽ tổn thương tinh thần, thể chất rất lớn. Ảnh minh họa.

Mỗi khi tiếp nhận trường hợp trẻ bị xâm hại là một lần bà Nữ cảm thấy đau đớn. Chính ngôi nhà của mình – nơi được coi là an toàn nhất đã trở thành nơi hủy hoại cơ thể, tinh thần đứa trẻ. Và người xâm hại không ai khác lại chính là cha ruột, cha dượng.

“Tôi không muốn nặng lời nhưng để xảy ra hậu quả trẻ bị xâm hại, người mẹ rất đáng trách. Mẹ đi lấy chồng, tìm hạnh phúc mới, con ở với cha.

Trong khi đó con lại đang tuổi dậy thì, cơ thể nhiều biến đổi, sinh hoạt chung đụng, nguy cơ người thân xâm hại là hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực tế còn có những bà mẹ biết con bị cha xâm hại nhưng sợ không dám tố cáo. Nếu xử lý vụ việc cũng nên quy trách nhiệm cho bà mẹ để các bà mẹ sợ, không dám bỏ mặc con, im lặng trước tội ác như vậy. Đừng để sung sướng đời mẹ, còn đời con biến thành đống tro tàn”, luật sư Ngọc Nữ thẳng thắn bày tỏ.

Những vụ việc trẻ bị xâm hại bởi chính người thân, cụ thể là cha ruột, cha dượng trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo tới các bậc phụ huynh. Điều này thoạt nghe có vẻ hoang đường nhưng không ai có thể lường trước được khi mẹ vắng nhà, người đàn ông trong nhà có “ma men” trong người, mất tự chủ hành vi sẽ làm điều gì với đứa trẻ vốn không có sức kháng cự.

Hơn ai hết, mẹ là người hiểu con, theo sát con nhất trong nhà. Đừng để vì sự lơ là, chủ quan của mẹ mà “quỷ ấu dâm” khiến cuộc đời con rẽ sang một lối mà con không mong muốn.