Kinh nghiệm cho gia chủ trong việc chọn vật liệu xây nhà
Lựa chọn vật liệu khi xây nhà là một yếu tố rất quan trọng trong cả quá trình thiết kế và thi công. Trên thị trường hiện nay, vật liệu rất đa dạng và thông tin rất nhiều, nên lựa chọn vừa dễ cũng lại khó... Lựa chọn đúng, phù hợp loại vật liệu sẽ làm công trình đẹp hơn, bền hơn và ngược lại, có thể làm xấu đi nếu sự lựa chọn sai lầm, không phù hợp.
Trong quá trình thiết kế, chủ nhà ít khi để ý tới vấn đề này, mà chỉ quan tâm tới nhu cầu công năng, hình thức ngôi nhà. Nhưng tới giai đoạn thi công - đặc biệt trong khâu hoàn thiện; liên quan đến việc mua sắm và sử dụng vật liệu; cho dù có thể trong bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công đã có chỉ định rất rõ ràng và cụ thể; thì chủ nhà cũng vẫn thích... đi chợ vật liệu để thực tế nhìn ngắm, lựa chọn vật liệu cho ngôi nhà của mình. Việc “xung đột” giữa bên thiết kế và chủ nhà về việc lựa chọn, sử dụng vật liệu vẫn hay thường xuyên xảy ra.
Kiến trúc sư có chuyên môn và cái nhìn tổng quan, lựa chọn vật liệu sẽ chuẩn, đúng; nhưng nhiều khi kiến trúc sư lại quá ưu ái cho phong cách của mình, không quan tâm nắm bắt nhu cầu, tâm lý của chủ nhà. Còn chủ nhà thì lựa chọn vật liệu theo cảm tính, không có cái nhìn tổng thể. Nhiều loại vật liệu trưng bày thì đẹp, nhưng đưa vào công trình lại không đẹp, hoặc cụ thể một khu vực nào đó không phù hợp. Rất nhiều trường hợp vật liệu được kiến trúc sư lựa chọn làm đẹp cho ngôi nhà, nhưng chủ nhà lại... ấm ức không thoả mãn; và ngược lại, chủ nhà (tự ý) lựa chọn vật liệu hiếm khi đúng ý của kiến trúc sư.
Đây là công việc chuyên môn, song chủ nhà mới là người sử dụng trực tiếp công trình, liên quan đến các loại vật liệu đó và là người… chi tiền. Chính vì vậy, để có tiếng nói chung; thì kiến trúc sư phải nắm bắt, tìm hiểu nhu cầu, thói quen sinh hoạt và tâm lý chủ nhà (cùng các thành viên); còn chủ nhà cần thiết lắng nghe tư vấn của nhà chuyên môn, tránh kiểu “đi chợ” vật liệu, thấy cái gì hay, đẹp (ở thời điểm đó) rồi rước về. Quan niệm về cái đẹp và nhu cầu, trình độ thẩm mỹ của mỗi người đều khác nhau. Chính vì vậy, để lựa chọn vật liệu hợp lý và đi tới một tiếng nói chung, một cái nhìn chung, kinh nghiệm của một số kiến trúc sư là - ngoài yếu tố tài chính, cần thiết phải bám vào một số nguyên tắc chuyên môn và bên nào cũng cần thiết có thái độ tôn trọng, “nhường nhịn” lẫn nhau.
Phù hợp công năng sử dụng
Vật liệu sử dụng trong công trình kiến trúc, điều đầu tiên phải phù hợp công năng; đây là nguyên tắc quan trọng nhất. Mỗi không gian, mỗi phòng chức năng, mỗi loại cấu kiện, bộ phận kiến trúc có những vị trí và vai trò khác nhau, cần thiết tới các loại vật liệu có đặc tính cơ – lý – hoá phù hợp. Gạch lát sàn ở nơi có nước (sân, phòng vệ sinh) yêu cầu đầu tiên phải chống trơn trượt, rồi mới tới các vấn đề khác như hoa văn, màu sắc...; các vật liệu sân vườn, ngoại thất phải có khả năng bền với các điều kiện tự nhiên (mưa, nắng); các loại vật liệu, thiết bị trong phòng vệ sinh phải có khả năng chịu nước, chịu ẩm cao, an toàn điện; vật liệu ốp lát khu vực bếp nấu phải có khả năng chịu nhiệt...
Phù hợp không gian sử dụng
Mỗi không gian, mỗi phòng trong ngôi nhà đều có chức năng cụ thể riêng biệt, dành cho các hoạt động của con người sống, sinh hoạt hay làm việc ở trong đó. Để tạo nên sự hiệu quả đúng chức năng, thì các loại vật liệu cũng cần phù hợp. Ví dụ như phòng khách cạnh sân vườn tầng trệt cần sự thoáng đãng, thoải mái, gần gũi thiên nhiên, có thể dùng các loại vật liệu tự nhiên; phòng sinh hoạt chung trên lầu mang lại sự gần gũi; phòng ngủ cần tĩnh lặng, ấm áp; phòng nghe nhạc, giải trí cần sự ấn tượng... Ngoài thiết kế ở mặt bằng công năng, bố trí nội thất; thì việc sử dụng vật liệu, thiết bị, chất liệu đồ đạc trong những không gian này cũng góp phần vào việc tạo nên không gian như mong muốn.
Phù hợp phong cách kiến trúc - nội thất
Mỗi ngôi nhà có một phong cách kiến trúc và nội thất, theo ý muốn, nhu cầu của chủ nhà với sự tư vấn của kiến trúc sư; và được kiến trúc sư triển khai thiết kế theo hướng đó. Để tạo được phong cách, thì vai trò của vật liệu và cách thức sử dụng vật liệu rất quan trọng. Mỗi phong cách kiến trúc - nội thất đòi hỏi các loại vật liệu tương ứng và cách thức sử dụng vật liệu đúng. Phong cách hiện đại có mặt nhiều các loại vật liệu mới như kính, thép, inox...; phong cách cổ điển phương Đông có âm hưởng trầm của màu nâu gỗ với những chi tiết tinh xảo; phong cách dân gian thô mộc có sự góp mặt của các loại vật liệu tự nhiên như tre, gỗ, đá... với cách thức gia công, chế tác vật liệu cũng thô mộc, đơn giản...
Phù hợp tỷ lệ
Tỷ lệ là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc. Một số không gian cần sử dụng vật liệu có liên quan đến điều này, nhất là những bề mặt ốp lát. Diện tích một sàn, chiều cao bức tường, không gian của phòng cần những tỷ lệ phù hợp. Phòng vệ sinh thường nhỏ, nên chọn gạch ốp lát có kích thước vừa phải; không nên lớn quá, nếu tính toán chẵn viên thì càng tốt. Nếu sử dụng kích thước gạch lớn, ngoài việc không phù hợp tỷ lệ, thị giác, còn gây hư hao lãng phí do phải cắt bỏ nhiều. Một số loại bộ phận kiến trúc hiện nay được sản xuất tiền chế với nhiều loại kích thước, ví dụ như cửa đi thì cũng cần căn cứ vào diện tích, chiều cao phòng, khoảng tường chèn cửa để lựa chọn kích thước phù hợp.
Tương quan hoà hợp với xung quanh
Một công trình được sử dụng rất nhiều loại vật liệu, trong nhiều không gian và các không gian đó có liên quan đến nhau. Để có một tổng thể hài hoà, thì cần lưu ý cả điều này. Sự liên quan đó có thể ở bản thân trong mỗi phòng chức năng, trong phạm vi công trình; hay ra ngoài sân vườn, ngoài ngõ - đường phố. Cần thiết phải xem xét mối tương quan và bao cảnh xung quanh để lựa chọn vật liệu. Ví dụ như hiện nay có rất nhiều ngôi nhà phố, căn hộ được thiết kế không gian phòng khách – sinh hoạt chung liên thông với phòng bếp – ăn. Phần sàn phòng khách – sinh hoạt chung hay được lát gỗ; và phần bếp lát gạch. Hai loại vật liệu này có nguồn gốc khác nhau, tính chất khác nhau cùng tồn tại trên một mặt bằng; và vì thế cần lựa chọn chủng loại sao cho phù hợp, có thể “đi cùng” nhau.
Nói chung, việc lựa chọn, sử dụng vật liệu rất quan trọng đối với công trình kiến trúc. Ở một góc độ nào đó, không có loại vật liệu nào xấu hay đẹp. Xấu hay đẹp chính là việc nó có tồn tại phù hợp, đúng chỗ ở trong công trình hay không. Lựa chọn vật liệu phù hợp, làm đẹp, tôn không gian, tổng thể công trình lên. Điều này cần cả sự sáng tạo, tinh tế và kinh nghiệm của người thiết kế; sự hoà hợp, cái duyên trong mối quan hệ của kiến trúc sư và chủ nhà./.
Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm
Cây khế là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng trung bình cao. Cây trưởng thành nên được bón phân 4-6 lần một năm và cây non nên bón phân 30-60 ngày một lần trong suốt mùa sinh trưởng.
Có 3 loại cây nhà giàu nào cũng thích: Trồng trước nhà hút tài lộc đuổi vận xui, trồng sau...
Theo người xưa, những loại cây này được cho là mang đến sự phú quý, thịnh vượng và may mắn cho gia chủ.
Tiền tài không vào cửa bẩn, tuyệt đối phải dọn sạch 5 vị trí này trong nhà
Người xưa cho rằng sạch sẽ là "phong thủy tốt nhất" của một ngôi nhà. Do đó, để thu hút may mắn và tài lộc, việc giữ gìn sự sạch sẽ của ngôi nhà là điều không thể thiếu.
Thợ lâu năm mách cách vệ sinh máy lọc không khí vừa sạch lại tiết kiệm hóa đơn tiền điện:...
Cần cân nhắc những điều này khi mua và vệ sinh máy lọc không khí để máy sử dụng được lâu dài.