Các kịch bản về Covid-19 do nhiều nhóm nghiên cứu, được chia sẻ trong những tuần gần đây, dự đoán số ca nhập viện sẽ ổn định hoặc giảm vào mùa thu. Số ca nhiễm có thể có xu hướng tăng vì sự lưu hành của biến chủng mới. Tuy nhiên, các phương pháp như tiêm vaccine nhắc lại, khả năng miễn dịch sẽ ngăn virus bùng phát thành làn sóng trong mùa lạnh.

"Rất nhiều khả năng virus sẽ hồi sinh ở mức độ vừa phải vào mùa thu, nhưng không có làn sóng nào giống với Omicron", Justin Lessler, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Bắc Carolina, cho biết.

Peter Marks, quan chức hàng đầu về vaccine tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết các cơ quan đang xem xét phê duyệt loại vaccine mới để tiêm bổ sung trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại vào tháng 12.

Theo Lauren Ancel Meyers, Giám đốc Hiệp hội Mô hình Covid-19 của Đại học Texas, sự xuất hiện của biến chủng mới vào tháng 9 có thể dẫn đến đợt bùng phát mới, khiến các ca nhiễm nặng gia tăng vào tháng 12. Nếu biến chủng xuất hiện muộn hơn, vào khoảng tháng 10, đỉnh dịch sẽ xảy ra vào tháng 1 năm sau.

Để thay đổi quỹ đạo của đại dịch, các biến chủng mới phải dễ lây lan hơn BA.5 - chủng đang lưu hành chủ đạo. Nó có thể xuất hiện từ một nhánh ít phổ biến của virus. Đây chính xác là những gì xảy ra vào tháng 11 năm ngoái, khi Omicron xuất hiện tại châu Phi, ngay lập tức vượt qua chủng Delta.

Vaccine vẫn hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ tử vong, giúp người dân không phải nhập viện. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính về Covid-19, cho biết chiến dịch chống virus vào mùa thu chủ yếu dựa trên việc tiêm chủng nhắc lại.

"Chúng ta không thể loại bỏ mầm bệnh, nhưng có thể kiểm soát nó ở mức đủ thấp để không ảnh hưởng đến trật tự xã hội", ông Fauci nói.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Tam Á, Trung Quốc, ngày 11/8. Ảnh: Xinhua 

Theo nhóm dự báo Lessler, nếu không có biến chủng mới xuất hiện, dịch bệnh sẽ ổn định hoặc giảm cho đến năm mới. Kịch bản xấu nhất là biến chủng mới lây lan sớm và chiến dịch tiêm tăng cường của các nước diễn ra quá muộn. Như vậy, thế giới sẽ ghi nhận khoảng 1,3 triệu ca nhập viện và 181.000 trường hợp tử vong trong khoảng 9 tháng (kể từ 8/2022 đến tháng 5/2023).

Hành vi cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng lây lan của dịch bệnh. Hiện nay, hầu hết quốc gia đã nới lỏng biện pháp phòng ngừa, bỏ quy định xét nghiệm nhập cảnh, xét nghiệm trong nước, truy vết tiếp xúc và đeo khẩu trang.

"Mọi người không đeo khẩu trang, đi lại nhiều, tụ tập thành các nhóm lớn, du lịch thường xuyên hơn. Các trường học không có bất kỳ hình thức ngăn ngừa nào", Dylan George, Giám đốc Trung tâm Phân tích Dự báo và Dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC), cho biết.

Các đợt bùng phát có thể tự giới hạn ở mức độ nào đó, khi virus đã lây lan đủ số người và mất nguồn vật chủ. Tuy nhiên, khả năng miễn dịch từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên sẽ suy yếu theo thời gian, dù khả năng chống chuyển nặng và tử vong còn duy trì.

Các chuyên gia cũng lưu ý những virus khác đang lưu hành song song, chẳng hạn cúm mùa. "Có đủ loại mầm bệnh đường hô hấp xuất hiện, đặc biệt vào mùa tựu trường. Chúng tôi luôn quan tâm bệnh cúm diễn tiến ra sao. Mối lo ngại về đại dịch kép luôn thường trực", George nói.

Chuyên gia dịch tễ Jeff Shaman, Đại học Columbia, chỉ ra rằng Covid-19 là loại bệnh theo mùa. Độ ẩm thấp, không gian kín vào mùa đông, tình trạng thiếu ánh nắng mặt trời và bức xạ tia cực tím là những yếu tố khiến virus lây lan mạnh hơn.