Bạn từng nghe về siêu âm, chụp Xquang, chụp cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), và y học hạt nhân. Nhóm có tia xạ bao gồm Xquang, cắt lớp điện toán, y học hạt nhân. Còn lại thuộc nhóm không dùng tia xạ.

Câu hỏi dễ dàng bật ra: Phương pháp nào tốt nhất? Xin thưa: Không có tốt nhất. Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng, có giá trị riêng, có chỉ định riêng và chỉ có bác sĩ mới biết rõ. Tùy điều kiện, khả năng của cơ sở y tế, tình trạng bệnh nhân..., bác sĩ sẽ chọn cho bạn phương pháp thích hợp nhất có thể để chẩn đoán bệnh hay điều trị bệnh.

Siêu âm

Cho đến nay, chưa có báo cáo nào ghi nhận siêu âm gây hại cho thai nhi hay ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai. Dù vậy, vẫn chỉ nên thực hiện đúng chỉ định khi thực sự cần thiết. Bạn cũng cần nhớ, y học là ngành học luôn thay đổi và cập nhật. Không ai dám cam đoan 10 - 20 năm sau người ta vẫn khẳng định “siêu âm an toàn tuyệt đối cho thai và cho con người nói chung”.

Chưa có báo cáo nào ghi nhận siêu âm gây hại cho thai nhi hay ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.

Cộng hưởng từ (MRI)

MRI không sử dụng tia xạ nên không có chống chỉ định trên phụ nữ mang thai và cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng gây hại đến thai dù có vài giả thuyết có thể gây dị tật. Vấn đề quan tâm là sử dụng chất cản từ trong MRI.

Để tăng chất lượng hình ảnh chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho tiêm thuốc cản từ, ví dụ gadolinium. Gadolinium là chất tan trong nước, có thể qua nhau thai vào tuần hoàn thai và dịch ối. Gadolinium tự do lại là chất độc.

Nguy cơ và mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc của thai nhi với gadolinium trong dịch ối. Tuy nhiên, một số thống kê nhỏ lại cho thấy nguy cơ ảnh hưởng thai nhi không gia tăng khi có sử dụng gadolinium trong 3 tháng đầu thai kỳ. Với những chứng cứ hiện có, các nhà y khoa chỉ có thể khuyến cáo rằng: hạn chế chỉ định nếu lợi ích không nhiều hơn nguy cơ.

Đối với phụ nữ cho con bú, sau 24 giờ, không quá 0,04% liều gadolinium được dùng qua sữa (còn em bé hấp thụ không quá 1% của lượng này), do đó vẫn có thể cho con bú.

Các phương pháp có tia xạ

Với chụp Xquang, các nghiên cứu hiện nay cho thấy tia X không làm tăng nguy cơ sẩy thai với liều tia xạ dưới 5 rad (đơn vị đo lường). Đối với sự phát triển của thai, ngay cả liều 10-20rad, nguy cơ dị tật thai cũng không tăng đáng kể.

Thai có thể phát triển chậm nếu chụp Xquang trong giai đoạn sớm, nhưng ở liều đến 50rad. Với nguy cơ bé ung thư: nếu chụp Xquang giai đoạn sớm, liều tia xạ trên 5rad thì nguy cơ này tăng 0,3-1% (nhắc lại là nguy cơ này cũng tồn tại sẵn 0,3% dù mẹ có tiếp xúc tia xạ trong khi mang thai hay không - số liệu của CDC). Tuy nhiên, cần lưu ý, tia X có tác động khác nhau ở mỗi giai đoạn thai kỳ.

 
2 tuần đầu thai kỳ: Nguy cơ sẩy thai khi liều tia xạ trên 5rad.

Tuần thứ 3 đến tuần thứ 8: Nguy cơ ảnh hưởng thai khi liều tia xạ từ 20-30rad.

Sau tuần thứ 20: Thai nhi phát triển khá hoàn chỉnh và nguy cơ sẩy thai không tăng khi chụp Xquang.

Ảnh minh họa: Internet

Với chụp cắt lớp điện toán và y học hạt nhân, giai đoạn thai kỳ và liều có thể gây hại cho thai là:

Trước khi làm tổ (0-2 tuần sau thụ tinh): Nguy cơ chết phôi hay không thụ tinh - liều ngưỡng ước đoán 50-100mGY.

Giai đoạn biệt hóa cơ quan (2-8 tuần sau thụ tinh): Nguy cơ gây dị tật bẩm sinh trên xương, mắt, giới tính - liều ngưỡng ước đoán là 200mGY; chậm tăng trưởng - liều 200-250mGY.

Thai 8-15 tuần: Nguy cơ chậm phát triển tâm thần với liều 60-310mGY.  Nguy cơ gây tật đầu nhỏ: 200 mGY.

Thai 16-25 tuần: Nguy cơ chậm phát triển tâm thần với liều 250-280mGY.

Với phụ nữ cho con bú, trong chụp cắt lớp điện toán, trước đây có khuyến cáo không cho con bú khi được tiêm chất cản quang. Tuy nhiên, hiện nay lại cho phép tiếp tục cho con bú vì lượng iod hấp thu vào đường tiêu hóa em bé rất thấp.