Nguyên nhân gây viêm xoang ở trẻ em?

Các xoang là các khoang gần mũi, chứa không khí và được lót bởi lớp màng nhầy. Khi bị viêm, lớp màng nhầy sẽ tiết dịch, dịch bị ứ trong xoang và vi khuẩn bắt đầu phát triển, dẫn đến nhiễm trùng xoang.

Khẩu trang thông thường chỉ có thể chặn phần nào loại bụi mịn PM10, còn với bụi siêu mịn PM2.5 thì “pó tay”. Để hạn chế bụi mịn, cần chọn khẩu trang chuyên biệt phù hợp (khẩu trang có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2) - Ảnh: Bích Thảo

Những tác nhân thường gây viêm xoang gồm: virus, vi khuẩn hoặc dị ứng.

Viêm xoang ở trẻ em khó chẩn đoán vì thường bị che lấp bởi các triệu chứng viêm đường hô hấp trên, viêm mũi dị ứng …

Viêm xoang được chia thành 3 mức độ:

- Cấp tính: Các triệu chứng kéo dài dưới 10 ngày

- Mạn tính: triệu chứng này kéo dài hơn 12 tuần.

- Tái phát: khi bị nhiều hơn 3 đợt viêm xoang cấp tính trong một năm.

Các triệu chứng của viêm xoang ở trẻ

- Nghẹt mũi,

- Nước mũi đặc, đục, màu vàng hoặc xanh,

- Chảy nước mũi sau họng,

- Đau đầu, đau vùng mặt,

- Ho, tiếng ho nghe có đàm,

- Sốt, khó chịu, mệt mỏi,

- Có thể sưng quanh mắt,

- Không ngửi được mùi.

Các biến chứng của viêm xoang ở trẻ em

Viêm xoang cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như: viêm vùng hốc mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não...

Các xoang là các khoang gần mũi, chứa không khí và được lót bởi lớp màng nhầy

Làm sao để chẩn đoán viêm xoang ở trẻ em?

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào các triệu chứng của viêm xoang, ngoài ra, bé có thể cần làm thêm các cận lâm sàng trong những trường hợp khó chẩn đoán, viêm kéo dài hoặc tái phát, gồm:

- X-quang xoang,

- CT scan xoang,

- Cấy dịch xoang.

Điều trị như thế nào?

Hầu hết viêm xoang cấp tính do virus có thể tự khỏi với các phương pháp chăm sóc tại nhà (rửa mũi, đắp ấm … -phần hướng dẫn chăm sóc tại nhà).

Tuy nhiên khi triệu chứng không cải thiện, sau khoảng 7-10 ngày không giảm triệu chứng, hoặc trẻ bị sốt, ho nhiều hơn, có thể là do nguyên nhân khác và bé sẽ cần được dùng thuốc:

- Kháng sinh: khi xoang bị nhiễm vi khuẩn;

- Thuốc kháng dị ứng: đối với viêm xoang do dị ứng.

Lưu ý: không tự ý dùng thuốc xịt mũi (loại có chất giảm nghẹt mũi) mà phải hỏi ý kiến bác sĩ vì nguy cơ làm bệnh nặng hơn.

Chăm sóc cho trẻ viêm xoang tại nhà bao gồm:

- Uống đủ nước: uống nước lọc, nước trái cây, bổ sung đầy đủ dịch thường xuyên sẽ giúp ngừa mất nước cho trẻ, dịch nhày được loãng và dễ thoát ra khỏi xoang;

- Rửa mũi bằng nước muối: sẽ giúp giữ ẩm cho xoang và mũi;

- Đắp khăn nước ấm lên vùng mũi, má, mắt sẽ giúp bé giảm đau ở vùng mặt.

Làm gì để phòng ngừa viêm xoang ở trẻ?

- Xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý, giữ cho mũi xoang ẩm, không bị khô;

- Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm ở khu vực môi trường có không khí khô ráo;

- Tránh xa khói thuốc lá, bụi;

- Tránh những thứ gây ra các triệu chứng dị ứng: lông chó mèo, phấn hoa, khói bụi…

- Trong tình trạng báo động về bụi mịn trong không khí tăng cao như hiện nay, trẻ cần nên hạn chế đi ra ngoài, nếu ra ngoài nên đi bằng phương tiện công cộng như đi xe bus, taxi thay vì di chuyển bằng xe máy, xe đạp... và chọn khẩu trang chuyên biệt phù hợp có thể giúp hạn chế bụi mịn (khẩu trang có ký hiệu N95 hay N99 hoặc FFP2);

- Trẻ bị viêm xoang nên hạn chế thời gian ngâm trong hồ bơi vì clo trong nước hồ bơi có thể gây kích ứng mũi và xoang;

- Lưu ý vệ sinh tay tốt;

- Tiêm chủng đầy đủ;

- Tránh tiếp xúc gần với những người bị cảm lạnh hoặc những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Khi nào trẻ cần được đưa đi khám?

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu:

- Bé bị nghẹt mũi, chảy nước mũi trong hơn 7-10 ngày;

- Bé bị sốt cao (39 độ C), dịch mũi màu vàng hoặc xanh trong 3- 4 ngày liên tiếp;

- Các triệu chứng không cải thiện mà nặng hơn;

- Đau đột ngột và dữ dội ở mặt và đầu;

- Khó nhìn hoặc nhìn đôi;

- Sưng hoặc đỏ quanh một hoặc cả hai mắt;

- Khó thở;

- Cổ gượng.