Nguyên nhân bà bầu bị chuột rút 3 tháng cuối

Bà bầu mang thai 3 tháng cuối có nguy cơ bị chuột rút vì nhiều nguyên nhân - Ảnh minh họa: Internet

Ốm nghén

Khi mang thai, bà bầu thường bị ốm nghén, nôn ói, không ăn được dẫn đến cơ thể không nhận đủ chất dinh dưỡng. Vì thế, bà bầu sẽ bị thiếu chất, mất nước, mất cân bằng điện giải dẫn đến hiện tượng co cứng cơ.

Tăng cân đột ngột

Việc tăng cân đột ngột khi mang thai khiến các cơ chi dưới của chị em phải tăng cường vận động để nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Tình trạng này kéo dài khiến cơ bị căng và mỏi gây ra chứng chuột rút, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ.

Thiếu hụt canxi

Thiếu hụt canxi trong 3 tháng cuối có thể khiến mẹ bầu bị đau lưng và chuột rút - Ảnh minh họa: Internet

Lượng canxi cung cấp cho bà bầu khi mang thai tăng dần theo các giai đoạn. Trong 3 tháng cuối, nếu không được cung cấp đủ canxi, cơ thể mẹ bầu sẽ tự rút canxi đi nuôi dưỡng thai nhi. Sự thiếu hụt khoáng chất này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối.

Sự co cơ dây chằng

Sự phát triển nhanh chóng của thai nhi trong 3 tháng cuối làm tử cung mẹ bầu giãn rộng ra. Các cơ vùng bụng, cơ dây chằng nâng đỡ tử cung cũng bị kéo căng gây nên các cơn đau nhức, chuột rút.

Phòng ngừa và xử lý tình trạng chuột rút

Biết được những nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối, bà bầu cần khắc phục bằng những giải pháp sau:

- Bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng thời kỳ mang thai. Chị em lưu ý trước khi bổ sung canxi nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài việc sử dụng viên uống canxi, bà bầu cần tăng cường ăn các thực phẩm giàu canxi (thịt, cá, trứng, rau củ quả đặc biệt là chuối…) trước và trong thời kỳ mang thai.

Ngoài viên uống, bà bầu có thể bổ sung canxi bằng các loại thực phẩm - Ảnh minh họa: Internet

- Khi nằm ngủ bà bầu nên gác chân lên gối cao, nằm nghiêng bên trái để máu lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bắp chân.

- Duy trì thói quen vận động nhịp nhàng và điều độ, không nên ngồi làm việc nhiều giờ liền khiến tình trạng chuột rút thêm nặng nề. Mẹ bầu làm việc tại văn phòng nên đứng lên đi lại sau mỗi 45 phút, thực hiện các động tác duỗi và vận động hai chân.

- Tình trạng chuột rút sẽ được cải thiện nếu bà bầu nhẹ nhàng xoa bóp, massage nhẹ từ vùng đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để tăng quá trình lưu thông máu đến các cơ quan này.