Ân tình bảo vệ thai nhi

“10 tháng mang thai mẹ gặp nạn, đứng ngồi không yên, ngủ chẳng an”

Từ khi con chỉ là giọt máu đào hấp thụ tinh cha huyết mẹ trong bụng mẹ đến khi dần hoàn thiện hình hài, thân thể mẹ mỗi ngày một nặng thêm. Bước chân mẹ không còn nhẹ nhàng, thanh thoát như trước. Sức nặng đã dồn lên đôi chân và chiếc sống lưng, oằn xuống phía trước, che mất cả tầm nhìn của mẹ.

Cũng từ đó mẹ thường đứng ngồi không yên, nay đau chỗ này, mai nhức chỗ kia. Mẹ cũng chẳng thiết ăn uống, miệng khi đắng ngắt lúc lại nhạt thếch. Tự nhiên mũi mẹ cũng trở nên mẫn cảm với đủ loại mùi vị và có cảm giác lợm giọng trong cổ. Một đêm không biết bao nhiêu lần mẹ thức giấc trở mình.

Ân đức chịu khổ khi sắp sinh

“10 tháng mang thai, một sớm lâm bồn”. Trải qua 10 tháng mang thai, cuối cùng để con có thể chính thức chào đời mẹ còn phải trải qua một cơn đau dữ dội nữa. Mẹ quằn quại với những cơn đau, khi âm ỉ như kiến cắn, lúc lại dữ dội như tách thịt xẻ da. Những khi tưởng chừng không thể chịu đựng nổi mẹ chỉ biết nắm chặt bàn tay, cắn vào môi mình hay vịn vào cha trong làn nước mắt giàn giụa.

Những lần vượt cạn như vậy, thậm chí có những người mẹ còn phải bỏ lại tính mệnh của mình, để đổi lấy cuộc đời mới của một sinh linh nhỏ bé. Dẫu biết vậy mẹ vẫn dám mạo hiểm để có con trên đời. Khi sinh con ra, mẹ chỉ mải ngắm nhìn con. Chỉ khi thấy con ngũ quan đầy đủ, tứ chi lành lặn, mẹ mới có thể thở phào nhẹ nhõm và khép nhẹ đôi mi nghỉ ngơi trong chốc lát.

Ơn dưỡng dục của cha mẹ

Ai cũng từ tinh cha huyết mẹ mà thành hình. Suốt 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ là từng ấy thời gian cha mẹ khắc khoải chờ mong. Dẫu khó chịu vì những lần ốm nghén, vì dáng đi khệ nệ hay những đêm ngủ chẳng yên giấc, mẹ vẫn không một lời than trách. Dẫu ăn gì uống gì, nghĩ gì, làm gì, cha mẹ cũng chỉ canh cánh bên lòng, phập phồng lo lắng cho bào thai bé bỏng trong bụng.

Ngày con chào đời cũng là ngày mẹ trải qua những giây phút vượt cạn gian nan nhất. Mang nặng đẻ đau là vậy, những hiểm nguy và lưỡi hái tử thần luôn cận kề bên mẹ. Mẹ có thể chịu đựng nỗi đau thắt lòng, bất chấp hiểm nguy chỉ mong sinh mệnh bé nhỏ, yếu ớt của con có thể bình yên chào đời. Cha phập phồng lo lắng, từng phút từng giây bất chợt trở nên dài đằng đẵng như hàng thế kỷ. Tới khi nghe thấy tiếng con oa oa chào đời, nhìn thấy hình hài con lành lặn cha mẹ mới có thể yên lòng.   Nhưng thử thách cam go, dồn dập ấy mới chỉ là màn mở đầu.

Những ngày tháng sau đó cha mẹ còn phải tổn hao tâm sức nhiều hơn. Nửa đêm khuya khoắt cho con bú mớm, chăm cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Những khi con lên cơn sốt hay khó chịu trong người, cha mẹ lại thấp thỏm, ruột gan nóng bừng như lửa đốt.   Từng ngày con lớn lên là từng ngày cha mẹ dành bao tâm huyết dưỡng dục, chỉ bảo từng lời ăn tiếng nói, từng ánh mắt nụ cười. Ngay cả khi con đã lớn khôn thành người cha mẹ vẫn không ngớt đợi mong. Ánh mắt cha mẹ cứ mãi dõi theo bóng dáng của các con, dẫu con có đi tới chân trời góc bể, bay nhảy với sự nghiệp của mình hay đã yên bề gia thất, vui vầy cùng chồng tốt, vợ hiền.   Ngay cả khi cha mẹ lưng còng, tóc bạc, mắt mờ nhưng tấm lòng đau đáu hướng về con chẳng khi nào nguôi ngoai. Dẫu thế nào thì con vẫn luôn là những đứa trẻ trong lòng cha mẹ. Có lẽ tới khi nhắm mắt xuôi tay, đôi mắt khép lại cha mẹ mới có thể thôi không lo lắng cho các con mình.  

 Ân đức dưỡng dục thành người

Mẹ là người thầy đầu tiên của con trên thế gian này. Mẹ dắt con chập chững bước đi từng bước. Khi con khóc òa mẹ lại dang tay đón con vào lòng và khích lệ con dũng cảm bước tiếp. Mẹ dạy con bi bô tập nói, dạy con cách đi đứng,cách ănmặc, cách nói năng. Con cứ lớn dần lên một chút, mẹ lại dạy cho con thêm một chút đạo lý đối nhân xử thế.

Để dưỡng dục con cái trưởng thành nên người, dẫu mình phải chịu đói chịu rét, bôn ba vất vả, mẹ cũng cam lòng. Trước khi con có thể tự tung bay bằng đôi cánh của chính mình, mẹ luôn làm tất cả vì con. Mẹ không ngại khó ngại khổ. Chỉ cần có thể chuẩn bị tốt những thứ cần thiết cho từng giai đoạn trưởng thành trong chặng đường đời đầu tiên của con, mẹ sẽ gắng hết sức mình.

Ân đức dạy bảo khuyên răn của mẹ

Sau khi con trưởng thành, mẹ vẫn như cây tầm vông mắt mọc quanh thân. Mẹ luôn dõi theo từng hành vi, cử chỉ của con. Hễ phát hiện con có những lời nói hay việc làm sai trái mẹ sẽ kịp thời chỉ bảo, răn đe. Dẫu con gái đã gả đi là con người ta. Nhưng “con dại thì cái mang”. Dẫu con cũng sinh con và trở thành một người mẹ. Nhưng trong mắt mẹ con vẫn là nàng công chúa bé bỏng ngày nào.

Mẹ sẽ luôn dõi theo từng bước chân, từng lúc ấm lạnh trong gia đình bé nhỏ của riêng con. Mẹ sẽ dùng trải nghiệm của cả cuộc đời mình để khuyên con “chín bỏ làm mười”, tận tụy và bao dung hơn với những người trong gia đình chồng. Mẹ chỉ muốn con giữ gìn được mái ấm của mình và sống hạnh phúc, bình yên.

Ân đức hoài niệm khi đi xa

Cha ông ngày xưa dạy rằng “Cha mẹ còn, đừng đi xa”. Bởi lẽ con đến nơi đâu thì trái tim mong ngóng của mẹ cũng theo chân tới đó. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, khó tránh khỏi việc con cái phải bôn ba làm ăn nơi xứ người. Nhưng dẫu đi bao xa thì vẫn luôn có một sợi chỉ trong tay mẹ.

Tục ngữ có câu: “Con đi nghìn dặm, mẹ âu lo”. Chỉ cần con cái rời khỏi vòng tay yêu thương của mẹ, cất bước đi xa, thì mẹ hàng ngày đều lo lắng, nhớ nhung. Cho đến khi nhìn thấy con bình an trở về mẹ mới có thể yên lòng, kê cao gối ngủ một giấc nồng.