Chi Pu đang tiến từng bước để vượt ra ngoài thị trường nhạc Việt. Chưa bàn về hiệu quả thì có điều không thể phủ nhận là Chi Pu nghiêm túc và chịu đầu tư. Trong chiến lược “tấn công” thị trường nước ngoài, Chi Pu vừa tung ra EP Flexible gồm 3 ca khúc được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh, nước đi tương tự Sơn Tùng trước đó.

Chi Pu chịu chơi

Như Sohu đưa tin vào giữa tháng 9, RYCE Entertainment, công ty quản lý của Jackson Wang, Amber Liu… chính thức ký kết hợp đồng với Chi Pu. Màn hợp tác này đánh dấu sự khởi đầu một chương mới trong hoạt động âm nhạc của Chi Pu.

Và với EP Flexible gồm 3 ca khúc được tung ra vào tối 14/10, Chi Pu giao phó toàn bộ cho công ty mới với ê-kíp sản xuất hùng hậu, gồm những tên tuổi lớn trên thị trường âm nhạc quốc tế. Trong đó, ca khúc duy nhất được thực hiện MV tới hiện tại là Modern Medusa do Runyu Qian, Rachael Chevlin, QSTNMRKS sáng tác, sản xuất. Trong đó, Rachael Chevlin đã hợp tác với nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc như Kiss of Life, Red Velvet, TripleS, Oh My Girl…

Chi Pu lần đầu tung ra EP với các bài hát bằng tiếng Anh. Ảnh: FBNV.

Đây là lần đầu tiên Chi Pu hát các ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Anh. Sản phẩm lần này cho thấy nỗ lực đổi mới của Chi Pu. Như những gì cô đã chứng minh xuyên suốt hành trình âm nhạc, dù nhiều thăng trầm, sóng gió, Chi Pu dám liều mình thử thách với những điều mới mẻ.

Ngoài Modern Medusa, EP Flexible còn có thêm ca khúc Waste Time và Drive Slow. Các sản phẩm không xa rời những dòng nhạc quen thuộc như Pop, Dance và R&B nhưng có sự pha trộn để mang đến sự mới mẻ. Trong đó, Waste Time có sự góp giọng của rapper người Thái Lan Gavin:D, còn Drive Slow với sự góp sức từ Pink Slip. Nhà sản xuất này từng cộng tác những tên tuổi hàng đầu thế giới như Marshmello, Jason Derulo, Ty Dolla $ign, Lauv, Timberland, The Chainsmokers, Fletcher, Lay Bankz, Royal & The Serpent…

Sản phẩm được đầu tư nhất Modern Medusa có giai điệu retro pha lẫn pop-dance. Cấu trúc bài hát không đặc biệt trong thời lượng ngắn ngủi là 2 phút 34 giây. Từ intro, khán giả lần lượt được dẫn dắt qua verse 1, tới chorus, breakdown rồi verse 2, trở lại chorus và cuối cùng là outro. Đây là cấu trúc quen thuộc, dễ bắt gặp ở nhiều ca khúc. Cả giai điệu lẫn ca từ bài hát đều gợi lên một khung cảnh quyến rũ, nơi chàng trai và cô gái đang đắm chìm trong tình yêu và những cám dỗ nóng bỏng.

Kết quả

MV của Chi Pu luôn đẹp. Chi Pu xuất hiện cũng đẹp. Đó là điều không thể phủ nhận ở Modern MedusaModern Medusa là khung cảnh một bữa tiệc đêm, nơi Chi Pu thu hút ánh nhìn từ mọi chàng trai ngay khi cô bước vào với vẻ ngoài quyến rũ, trang phục gợi cảm. Những bộ váy 2 dây, ôm sát… khiến Chi Pu càng thu hút. Ý tưởng MV cũng đơn giản nhưng phù hợp với nội dung ca khúc.

Tuy nhiên, điểm yếu của Chi Pu vẫn ở đó: Giọng hát. Chi Pu đã tiến bộ rõ rệt qua thời gian nhưng có lẽ nữ ca sĩ vẫn cần thêm thời gian để thuyết phục được khán giả. Với Modern Medusa, Chi Pu cố thể hiện sự quyến rũ, có chút lả lơi, lôi cuốn nhưng giọng hát mỏng, yếu, hơi dính chữ, cách nhả từ cũng hạn chế.

Trong một ca khúc có tiết tấu đều đều, thiếu cao trào như Modern Medusa, nếu có một giọng hát nội lực, dày hơn, Chi Pu sẽ biến nó trở thành bài hát hấp dẫn, catchy hơn. Chất giọng của Chi Pu phù hợp hơn với Drive Slow, một bài hát có phần beat mạnh mẽ, trẻ trung với tiết tấu nhanh, sôi động hơn.

 
Sản phẩm của Chi Pu có âm nhạc tốt, hình ảnh, concept được đầu tư nhưng hạn chế trong giọng hát. Ảnh: FBNV.

“Rất xinh nhưng thực sự không hiểu sao đã qua phòng thu mà giọng Chi Pu vẫn nhạt”, “Nhạc của bạn này hợp gu mình, thứ duy nhất không hợp là giọng hát. Nhạc hay mà không nghe được, buồn rười rượi”, “Nhạc hay, visual đỉnh nhưng giọng vẫn chưa cải thiện nhiều”, “Rất đầu tư nhưng chất giọng thực sự khó nghe, hát kiểu dính dính”... là những bình luận tiếc nuối của khán giả với sự trở lại lần này của Chi Pu.

Cả phong cách, âm nhạc lẫn hình ảnh của Chi Pu lần này đều hiện đại, phù hợp với xu hướng âm nhạc thế giới. Tuy nhiên, thành tích sản phẩm đang chưa nổi trội. MV Modern Medusa đạt 16.000 lượt xem sau 14 giờ đăng tải. Đây là con số ảm đạm nhưng có thể giải thích vì nó được đăng trên kênh của RYCE Entertainment thay vì Chi Pu nên chưa tiếp cận được đông đảo khán giả Việt cũng như người hâm mộ của nữ ca sĩ.

Ở thị trường Trung Quốc, bài hát khi được đăng trên trang Music 163 chưa có lượt tương tác quá lớn tính tới sáng 15/10, nhưng hầu hết phản hồi là tích cực.

Trước Chi Pu, Sơn Tùng cũng tung ra bài hát Making My Way bằng tiếng Anh và thể hiện rõ tham vọng tấn công thị trường âm nhạc quốc tế. Ở sản phẩm đó, Sơn Tùng chọn thể loại reggaeton, một dòng nhạc rất khó để thể hiện và cũng khá xa lạ so với công chúng Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm không thành công như mong đợi và tham vọng bước ra thế giới của Sơn Tùng đến nay cũng bị bỏ ngỏ.

Điều đó đủ thấy, việc đưa âm nhạc ra khỏi ranh giới Vpop luôn khó khăn với bất cứ ai. Đứng trước chông gai lớn, khoảng cách quá xa giữa Vpop với âm nhạc thế giới, nhiều ca sĩ đã khát khao, tham vọng nhưng rồi chùn bước trước khi dám biến ước mơ thành hiện thực. Do đó, chưa bàn tới thành tích, chỉ riêng việc dám thử sức thì dù thất bại hay thành công như Chi Pu, Sơn Tùng đều đáng ủng hộ.

Tin liên quan