Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vụ tra tấn thai phụ đến sẩy thai nhi 6 tháng tuổi đang gây bức xúc trong dư luận, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Sư Chính Pháp (Hà Nội) nhận định nhóm đối tượng này đã quá tàn nhẫn, thể hiện hành vi côn đồ, manh động, coi thường, bất chấp pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật Chính Pháp. Ảnh: NVCC

“Liền một lúc, các đối tượng này xâm hại nhiều khách thể mà pháp luật bảo vệ như sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm, tài sản, thậm chí cả thi thể... Bởi vậy cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc, xác minh làm rõ hành vi, hậu quả, động cơ mục đích để xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”, Luật sư Cường nói.

Theo luật sư Cường, hành vi đầu tiên cần làm rõ là bắt giữ người trái luật. Cụ thể, nhóm đối tượng này đã bắt giữ thai phụ là xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do cư trú, có dấu hiệu phạm tội theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trong trường hợp này, riêng hành vi bắt giữ và tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với nạn nhân, đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 3, điều 157 bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 5 năm đến 12 năm tù.

Ngoài ra, theo quan điểm của luật sư Cường, cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi của các đối tượng này có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không?

Vụ việc tra tấn thai phụ đang khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: MXH

Nếu việc bắt giữ người nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý theo quy định tại Điều 169 bộ luật hình sự.

Còn trong trường hợp việc bắt giữ mà chỉ để trả thù thì hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 157 Bộ bộ luật hình sự.

Việc xác định tội danh sẽ căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong đó hành vi, động cơ, mục đích là những yếu tố quan trọng để xác định các tội danh nêu trên.

Điều khiến dư luận phẫn nộ là dù người phụ nữ này đang mang thai nhưng các đối tượng vẫn đánh đập tàn nhẫn.

Thông tin trên báo Người Lao Động, họ đã lấy dây dù trói chân, tay, dùng vải bịt mặt chị Y rồi dùng đoạn gỗ dài tra tấn nạn nhân dã man như thời trung cổ.

Dũng, Huyền và Khang còn dùng tay đánh đập, đá vào bụng khiến chị Y sẩy thai, sinh non khi thai nhi mới 6 tháng tuổi.

Một nguồn tin tiết lộ nhóm đối tượng còn dùng keo nấu chảy, sử dụng bình gas mini có đầu khò gí vào cơ thể khiến chị Y bị bỏng nặng. Khi chị Y bị sẩy thai, nhóm đối tượng gọi cho bà Sương đến mang đi vứt ở một khu đất trống tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân.

Đến ngày 10/4, thấy sức khỏe chị Y yếu, bọn chúng mới gọi cho một người bạn đến gọi taxi đưa đi cấp cứu. Thoát khỏi nơi “địa ngục trần gian”, chị Y đã gọi điện cho gia đình đến công an tố cáo hành vi của nhóm côn đồ.

Theo luật sư, trong tình huống trên, người mẹ dù đã sinh con, mặc dù là sinh non nhưng thai nhi vẫn được xác định là một con người.

“Cần làm rõ tình trạng sức khỏe, chăm sóc y tế của cháu bé khi mới sinh, xem các đối tượng này thấy người mẹ sinh non có cứu giúp hay không?

Ngoài ra, khi đứa trẻ thiệt mạng thì những đối tượng này đã đem vứt xác, phi tang. Bởi vậy, hành vi này đã có dấu hiệu xâm phạm thi thể, cần phải xử lý hình sự. Tội danh được quy định tại Điều 139 Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Lưu ý cần phải xác định làm rõ hai khái niệm sảy thai và sinh non. Nếu các đối tượng đánh gây thương tích dẫn tới sảy thai thì hậu quả khác với trường hợp đánh thương tích dẫn tới sinh non.

Đánh dẫn đến sảy thai nguy hiểm hơn vì tất yếu dẫn đến việc thai nhi chết trước hoặc sau khi ra ngoài.

Đây được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội Cố ý gây thương tích. Sinh non chỉ được xác định khi em bé không có đủ thời gian để phát triển bình thường trong tử cung trước khi thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung.

Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm nào thì sẽ khởi tố về tội danh đó. Trong trường hợp bị xử lý về nhiều tội thì các đối tượng trên sẽ bị tổng hợp hình phạt theo các nguyên tắc mà bộ luật hình sự đã quy định”, Luật sư Cường phân tích.