Nuôi con trong thời kì ăn dặm là khoảng thời gian đầy ý nghĩa và chắc hẳn rất nhiều kỉ niệm đối với các bà mẹ bỉm sữa được lần đầu làm mẹ. Đó là quãng đường với rất nhiều vất vả và khó nhưng cũng không kém phần lý thú.
Nhiều mẹ đã chuẩn bị rất kĩ cho bước ngoặt này của con với mong muốn cả 2 mẹ con sẽ vượt qua giai đoạn ăn dặm một cách suôn sẻ và nhẹ nhàng nhất để mỗi bữa ăn của con là một niềm vui chứ không là cuộc chiến như người ta vẫn nói.
Cũng giống như vậy, chị Phạm Hoàng Đan Vy (30 tuổi), sống tại TP Buôn Ma Thuột, từ khi có bé Phạm Phạm Bá Khôi (ở nhà tên Min) chị đã tìm hiểu rất nhiều kiến thức để chăm con một cách tốt nhất.
Gia đình nhỏ của chị Đan Vy - Ảnh: NVCC
 
Chị chia sẻ: "Mình làm mẹ lần đầu nên cũng còn nhiều bỡ ngỡ, mình phải học làm mẹ từ những điều nhỏ nhất, đơn giản nhất. Lúc bầu bí thì mình tìm hiểu kiến thức chăm sóc em bé trong bụng, từ chế độ ăn cho tới chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho bà bầu...
Khi con chào đời, mình chuẩn bị kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh. Đến khi con sắp bước vào thời kì ăn dặm (lúc con 4 tháng tuổi), mình tìm hiểu kiến thức về ăn dặm để sẵn sàng cùng con bước vào giai đoạn mới. Bé nhà mình được tập ăn dặm lúc 5 tháng rưỡi. Lúc này con đã có đủ các dấu hiệu muốn ăn nên mình quyết định bắt đầu hành trình mới này cho con". 
Sau khi tìm hiểu rất nhiều tài liệu về ăn dặm, rồi đăng kí làm thành viên của các hội nhóm ăn dặm để trau dồi kiến thức và học thêm kinh nghiệm của các mẹ đi trước, chị Vy quyết định cho Min ăn dặm kiểu kết hợp. Đó là phương pháp ăn dặm 3 in 1: Ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống và BLW (Bé tự chỉ huy).
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp cho bé ăn dặm được bắt đầu với cháo trắng rây với tỉ lệ 1:10. Bé được làm quen với các loại thức ăn khác nhau, rau, thịt được chế biến riêng biệt theo độ thô phù hợp. Với ăn dặm kiểu Nhật, bé sẽ được học ăn thô từ rất sớm và biết phân biệt được mùi vị của từng loại thức ăn riêng biệt.
Ăn dặm truyền thống: Đây là phương pháp rất quen thuộc với người Việt Nam. Khi đến giai đoạn ăn dặm, các bé sẽ được ăn bột xay nấu chung với rau củ, thịt cá... tất cả đều được làm nhuyễn rồi dần tăng độ thô theo từng thời kì của con. Với ưu điểm nhanh gọn, thuận tiện mà phương pháp này mang lại nên nhiều mẹ đã lựa chọn để áp dụng cho con. 
 
Cậu bé Min ngày càng bụ bẫm - Ảnh: NVCC
Ăn dặm BLW là phương pháp còn khá mới mẻ với người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ ông bà. Với BLW, mẹ sẽ ưu tiên những thực phẩm không được xay nhuyễn, mẹ không bón cho con ăn như phương pháp truyền thống mà để bé chủ động với bữa ăn của mình.
Chị nói: "Khi mới bắt đầu ăn dặm, mình cho con ăn theo kiểu Nhật để bé trải nghiệm được hương vị của mỗi thực phẩm riêng biệt. Từ đó, mình cũng dễ dàng biết được con thích và không thích với loại thực phẩm nào. Hơn thế, mình cũng biết được con có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không để còn điều chỉnh chế độ ăn của con cho phù hợp hơn.
Sau ăn tầm 1 tháng mình bắt đầu kết hợp thêm phương pháp BLW để bé tập nhai. Những ngày bé mọc răng hay mệt mỏi mình cho bé ăn kiểu truyền thống cho nhanh gọn, dễ nhai nuốt.
Hiện giờ con được 7 tháng rưỡi, mẹ con mình đã dần quen với bước ngoặt này. Nhưng thú thật, mặc dù mình đã chuẩn bị khá kĩ về mặt kiến thức để chăm con nhưng tất cả chỉ là lý thuyết, khi đi vào thực tế mình vẫn rất lo lắng. Mình sợ bé sẽ không hợp tác với mẹ, mình sợ mình làm chưa đúng, nấu chưa ngon...".

Con cười thật yêu! - Ảnh NVCC
Khi được hỏi về những khó khăn mà chị đã trải qua trong những tháng đầu tiên con ăn dặm, chị tâm sự: "Những ngày đầu bé lạ miệng nên rất hợp tác với mẹ, nhưng khoảng thời gian tới, giai đoạn mọc răng và ốm thì đúng là mệt mỏi. 2 tuần, bé nhất quyết không ăn, cứ thấy mẹ mang đồ ăn tới là con tỏ ra khó chịu, mẹ bón con cũng chẳng buồn há miệng, hoặc có bón được cho con rồi thì con cũng chẳng nuốt mà cứ ngậm...
Những lúc như thế, mình chán nản và stress lắm nhưng mình vẫn cố gắng thay đổi món ăn cho con, mình làm những đồ dễ nhai nuốt và ưu tiên những món bé thích. Con có chán ăn thậm chí không ăn nhưng mình vẫn đều đặn nấu cho con ăn mà không bỏ một bữa nào của con cả. Cứ như thế, rồi cũng qua khoảng thời gian đó". 
Với nhiều mẹ có suy nghĩ, bữa phụ thì cho con ăn tạm thứ gì cũng được chứ không cần phải quá cầu kì nấu nướng, chế biến hoặc có thể mua đồ ăn sẵn cho con. Nhưng với người mẹ cẩn thận như chị Vy thì không bao giờ có chuyện đó. Với chị, đã chăm con là phải dành cho con những điều tốt nhất trong khả năng có thể.
Vì thế ngoài những bữa chính đủ chất, chị Vy còn rất chú trọng đến những bữa phụ của con. Chị dành thời gian để tìm hiểu những công thức mới phù hợp với từng giai đoạn của con để bổ sung dinh dưỡng trong các bữa phụ. Với chị bữa phụ cũng quan trọng không kém phần bữa chính, chị cũng dày công tìm hiểu và làm các món ngon cho con ăn bữa phụ.
Chị chia sẻ: "Tất cả những món làm cho con mình đều tìm mua nguyên liệu ở những cửa hàng uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, ở độ tuổi dưới 1 tuổi, mình có nấu chè hay sinh tố thì đều cố gắng sử dụng độ ngọt tự nhiên từ hoa quả chứ tuyệt đối không dùng đường trắng của người lớn để nấu cho con để giữ gìn hệ tiêu hóa, chức năng gan thận còn non nớt của con. Có như vậy mình mới yên tâm cho con dùng được". 
Ăn uống là phải tập trung như thế - Ảnh NVCC
Để có con một nếp ăn ngoan, ngay từ đầu chị Vy đã tập cho con ngồi vào ghế khi ăn, không ăn rong. Và khi đã ngồi vào bàn ăn là con không được chơi đồ chơi, không được vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại. Ngoài ra, chị cũng dặn cả nhà là khi con ăn không được đứng cạnh cổ vũ hoặc làm trò để con chịu ăn.
Chị nói: "Với quan điểm rất rõ ràng: Ăn dặm là niềm vui, nói không với nước mắt nên mình cũng tuân thủ tuyệt đối chế độ không được ép con ăn với mọi hình thức. Nuôi con mình chỉ cần con khỏe mạnh, nhanh nhẹn là được chứ không nhất thiết phải đặt áp lực cân nặng lên hàng đầu".
Cứ như vậy, 2 mẹ con chị Vy đang hợp tác với nhau rất ăn ý để từng ngày vượt qua giai đoạn ăn dặm với nhiều kỉ niệm nhất".
Dưới đây là một số bữa phụ mà chị Vy đã làm cho con, các mẹ cùng tham khảo để làm cho con, các mẹ cùng tham khảo: 
Tin liên quan