Tiêu chảy là bệnh thường xuyên gặp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tiêu chảy được chia ra làm nhiều mức độ, trong đó với mức độ nhẹ  phụ huynh hoàn toàn có thể theo dõi và điều trị tại nhà.

Tiêu chảy là gì?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai), tiêu chảy là triệu chứng có thể xảy ra do rối loạn chức năng tiêu hóa, hấp thụ, bài tiết của ống tiêu hóa.

Tiêu chảy được xác định khi trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước, từ 3 lần/ngày trở lên. Tuy vậy do chức năng đại tràng ở trẻ em chưa ổn định nên có thể có một số trẻ nhỏ còn bú 2 – 3 ngày mới đi ngoài một lần, phân rắn và một số trẻ khác đi 5 – 8 lần/ngày, mỗi lần đi ra một ít phân mềm hoặc hơi lỏng vẫn là bình thường.

Vì vậy khi muốn xác định xem trẻ có bị tiêu chảy hay không, phụ huynh cần xem xét thêm các yếu tố sau, ngoài số lần đại tiện trong ngày, đó là:

- Trẻ tăng số lần đi ngoài đột ngột

- Phân của trẻ có sự thay đổi về độ đặc, rắn và thay đổi lượng dịch trong phân

-Phân của trẻ có thay đổi màu sắc như phân có nhày hoặc máu

Nếu tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần là tiêu chảy cấp, trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.

Nguyên nhân gây bệnh

Có 3 nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em là do vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng

Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng là 3 nguyên nhân chính gây tiêu chảy cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Vi khuẩn: Là nguyên nhân thường gặp nhất, do sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột. Các vi khuẩn có hại khi xâm nhập vào đường ruột nếu chúng mạnh hơn vi khuẩn có lợi thì chúng sẽ lấn át các vi khuẩn có lợi và tiết ra độc tố gây nên tiêu chảy.

Virus: Trong đó Rotavirus chiếm tới hơn 40% số ca bị mắc tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.

Ký sinh trùng: Như lỵ amip, giun, sán…

Ngoài ra còn những nguyên nhân khác như thiếu hụt lactose hoặc do ruột có cấu tạo hay khả năng nhu động không bình thường…

Triệu chứng và biến chứng

Ngoài tình trạng đi ngoài phân lỏng nước, trẻ còn có thể bị nôn, buồn nôn, đau bụng, sốt. Nếu trẻ tiêu chảy nhiều lần có thể bị hăm đỏ vùng hậu môn.

Biến chứng quan trọng nhất của tiêu chảy là tình trạng mất nước và điện giải. Phụ huynh cần nắm vững bảng chia mức độ sau để nắm rõ được tình hình của trẻ.

Những dấu hiệu phụ huynh cần biết để đánh giá mức độ mất nước của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Với mất nước mức độ A, phụ huynh có thể tự điều trị tại nhà cho trẻ. Từ mức độ B trở lên cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.