Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, công việc. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh thoái hóa khớp háng sẽ dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Thoái hóa khớp háng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp - Ảnh minh họa: Internet

Theo Tiến sĩ bác sĩ Phạm Chế Lăng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quốc tế City cho biết: "Khớp háng được bọc bởi một lớp sụn. Lớp sụn này còn tốt thì nó giúp giảm bớt các chấn thương, chấn động khi chúng ta cử động, đi đứng. Khi lớp sụn này mòn dần đi sẽ làm hai đầu xương ma sát trực tiếp vào nhau, gây đau, giảm đi mức độ vận động của khớp nói chung và khớp háng nói riêng.

Ở mức độ nặng hơn, thoái hóa khớp háng sẽ làm bệnh nhân tàn phế, không thể đi đứng được bình thường".

Nguyên nhân của bệnh thoái hóa khớp háng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng, trong đó chủ yếu là do tuổi tác. Cùng với sự lão hóa của cơ thể, hệ xương khớp cũng bị lão hóa. Do đó, thoái khớp háng thường xảy ra ở người cao tuổi. Đây được gọi là nguyên nhân nguyên phát (chiếm khoảng 50%).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng, trong đó chủ yếu là do tuổi tác - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, người ta còn tìm thấy nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thoái hóa khớp háng như: Chấn thương khớp háng, gãy cổ xương đùi, trật khớp háng (do lao động nặng, chơi thể thao,...), hoại tử chỏm xương đùi nhưng điều trị không dứt điểm. Ngoài ra, thoái hóa khớp háng còn do bẩm sinh hay biến chứng của các bệnh khác (tiểu đường, gút, bệnh huyết sắc tố…...). Đây là những nguyên nhân thứ phát.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thoái hóa khớp háng như: Chấn thương khớp háng, gãy cổ xương đùi,... - Ảnh minh họa: Internet

Tiến sĩ bác sĩ Phạm Chế Lăng cho biết: "Chấn thương cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn bị thoái hóa khớp háng, đặc biệt ở người trẻ.

Các chấn thương: Gãy cổ xương đùi, hoại tử chỏm xương đùi, bệnh đầu xương đùi to bẹt,... dù đã được điều trị tốt bằng phương pháp mổ kết hợp vật lý trị liệu và xương đã liền nhưng một số trường hợp cũng sẽ để lại di chứng, dẫn đến thoái hóa khớp háng. Đặc biệt, càng về sau, tuổi tác càng lớn thì càng dễ bị thoái hóa khớp háng".

Dấu hiệu nhận biết bệnh thoái hóa khớp háng

Khớp háng là nơi gánh chịu trọng lực nhiều nhất trên cơ thể. Do đó, khi bị tổn thương hay thoái hóa khớp háng, người bệnh sẽ đi lại khó khăn và đau rất nhiều.

Các dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp háng là: Người bệnh thường xuyên cảm thấy mỏi và tê chân khi đi bộ hay co duỗi khớp đùi, háng. Khi tiến triển nặng hơn, bệnh nhân thường đau ở vùng đùi gần bẹn, sau đó lan xuống bắp đùi. Cơn đau sẽ tăng lên khi cử động hay đứng lâu nên phải đi khập khiễng.

Các cơn đau thường xuyên ở vùng mông cảnh báo bệnh thoái hóa khớp háng - Ảnh minh họa: Internet

"Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà có dấu hiệu khác nhau. Người mới chớm bệnh sẽ có cảm giác đau mỏi ở vùng háng, đôi khi cơn đau xuất hiện ở vùng mông, đùi, thậm chí ở đầu gối.

Cơn đau thường xuất hiện khi bệnh nhân ngồi lâu rồi đứng dậy, đi một lúc thì bớt dần. Nhiều trường hợp vào buổi tối, khi đang ngủ mà đột ngột thức dậy (uống nước, đi vệ sinh,...) thì cũng sẽ bị đau, ngồi một lúc sẽ bớt.

Khi diễn biến thoái hóa khớp háng mỗi ngày một tăng, người bệnh sẽ cảm thấy đau thường xuyên, cảm giác đau nhói xuất hiện nhiều. Đặc biệt, chỉ cần đi một đoạn đường hơi xa, mức độ đau sẽ dữ dội hơn" - Tiến sĩ bác sĩ Phạm Chế Lăng chia sẻ.

Khi nghi ngờ bị thoái hóa khớp háng, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời - Ảnh minh họa: Internet

Khi có những dấu hiệu trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị đúng đắn. Bác sĩ khuyên bạn không nên tự ý mua thuốc giảm đau và uống không có sự hướng dẫn để tránh những tác hại xấu đến gan, thận, dạ dày và các cơ quan khác trong cơ thể.