4 loại đồ ăn vặt ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn chính của trẻ

Chocolate

Những món ăn vặt làm từ chocolate thật sự hấp dẫn đối với trẻ. Mặc dù quảng cáo của không ít nhãn hàng vô cùng bắt mắt và khẳng định rằng chocolate có lợi cho sự phát triển trẻ nhỏ, tuy nhiên thực tế không như bạn nghĩ.

Đa số các loại chocolate trên thị trường đều chứa rất nhiều thành phần phụ gia, trong đó bao gồm cả chất béo, đường, các loại hạt, thậm chí có cả axit béo không có lợi.

chocolate dễ làm trẻ có cảm giác no và không muốn ăn cơm - Ảnh minh họa: Internet

Hương vị và hình thức của các món chocolate luôn đem đến hấp dẫn cho trẻ, nhưng nếu mẹ không kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm và số lượng chocolate cho trẻ ăn vặt thì không những không có tác dụng đối với sự phát triển của trẻ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm giác thèm ăn trong bữa chính của con.

Dù được giới thiệu với thành phần chế biến như thế nào thì nhiệt lượng trong chocolate vẫn luôn rất cao. Ăn thường xuyên và quá nhiều còn khiến trẻ bị sâu răng, béo phì, thậm chí sinh ra nhiều bệnh tật khác.

Snack khoai tây

Các loại snack và khoai tây chiên cũng nên hạn chế cho trẻ ăn vặt - Ảnh minh họa: Internet

Món ăn vặt này ngay cả người lớn còn ưa thích thì đối với trẻ nhỏ lại càng dễ “gây nghiện”. Thỉnh thoảng cho trẻ một ít snack khoai tây như món ăn vặt thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu để trẻ thỏa sức ăn theo sở thích, thậm chí quá lệ thuộc vào đồ ăn vặt này sẽ gây ra bất lợi cho sức khỏe của trẻ.

Trước tiên, các loại snack khoai tây đều thuộc nhóm thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và nhiệt lượng cao, thêm vào đó là các chất phụ gia, chất bảo quản tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến trẻ.

Đồng thời, ăn nhiều khoai tây chiên sẽ dễ tạo cảm giác no, khiến trẻ đến bữa chính thì không muốn ăn cơm, dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và làm cản trở quá trình phát triển của trẻ.

Bánh kem

Ăn nhiều bánh kem khiến trẻ lười ăn cơm - Ảnh minh họa: Internet

Trong vô số đồ ăn vặt cho trẻ em thì những chiếc bánh kem dù lớn hay nhỏ đều đầy sức mê hoặc với trẻ nhỏ. Sản phẩm này cũng được bày bán tràn lan ở cổng trường, hàng quán vỉa hè, nếu bố mẹ không chú ý hướng dẫn trẻ ăn uống khoa học thì nguy cơ trẻ “tự” ăn vặt theo sở thích càng cao.

Ngoài thành phần chất béo quá nhiều thì trong bánh kem còn chứa chất phụ gia, phẩm màu và nhiều nơi bán không đảm bảo vệ sinh. Những yếu tố này dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn chính trong ngày của trẻ, đồng thời còn dễ gây béo phì ở trẻ nhỏ.

Đồ uống đóng chai

Khuyến khích trẻ uống nước lọc hoặc nước ép trái cây thay cho nước có ga - Ảnh minh họa: Internet

Khuyến khích trẻ tập thói quen uống nhiều nước là tốt nhưng nếu trẻ chỉ thích uống các loại nước có ga hoặc thức uống chứa nhiều đường sẽ gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe của trẻ.

Mặt khác, các đồ uống này thường có không ít chất hóa học, uống nhiều dễ bị sâu răng, ảnh hưởng hệ tiêu hóa và khiến trẻ chán ăn cơm.

Có thể cho trẻ ăn vặt hay không?

Mẹ nên chọn đồ ăn vặt với thành phần đơn giản cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Thực tế, nếu bạn cấm trẻ ăn vặt sẽ là một chuyện rất “tàn nhẫn” và tước đi niềm vui tuổi thơ của con. Bạn chỉ cần lựa chọn đồ ăn vặt phù hợp và tương đối an toàn để đảm bảo trẻ vẫn ăn bữa chính đầy đủ là được.

Các chuyên gia sức khỏe trên Sohu khuyên rằng nếu mua ở bên ngoài, bạn nên chú ý đọc thành phần chế biến của sản phẩm. Thành phần càng đơn giản càng tốt, chẳng hạn như bánh quy lúa mạch, bánh yến mạch ít đường v.v…

Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn nên tự mua nguyên liệu về làm đồ ăn vặt cho trẻ, như vậy có thể đảm bảo các thành phần chế biến và an toàn vệ sinh. Các món ăn vặt thích hợp mà bạn có thể tự làm cho trẻ như sữa chua, ngô luộc, khoai lang nướng, một ít hạt vỏ cứng, trái cây dầm v.v…