Hai trường hợp tử vong là bé M.V.L (4 tuổi) và M.T.X (3 tuổi), ở xóm Bản Oóng, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc, khoảng 8h ngày 18/12, có 4 trẻ trú tại địa chỉ trên gồm hai chị em bé L. và hai chị em bé X. Các cháu rủ nhau ra sau nhà đào hố đất để chơi, sau đó có 2 cháu là L. và X. hái lá về ăn (không rõ loại lá gì).

Sau ăn khoảng 1 giờ, các cháu quay về nhà bé X. chơi, đến khoảng 10h40, các cháu thấy bé L. bất tỉnh, gọi hỏi không trả lời (đã tử vong). Đến khoảng 12h, cháu X. nằm ngủ lì được mẹ bế lên nhà cháu L. và tử vong lúc 13h. Hai cháu còn lại không ăn loại lá đó, hiện tại sức khỏe đều bình thường.

Sau khi nhận thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã đến kiểm tra, giám sát tại gia đình, xung quanh nhà và địa điểm các trẻ ra chơi.

Kết quả cho thấy việc ăn, uống và sinh hoạt tại gia đình đều bình thường. Tại điểm các trẻ chơi, các bác sĩ phát hiện xung quanh có nhiều cây lá ngón, trong khoảng đất có 1 hố nhỏ. Người nhà cho biết đó là hố mà các cháu đã đào hôm xảy ra sự việc, phía trên miệng hố có 1 cành lá ngón đã khô. 

Đoàn kiểm tra xung quanh khu vực các trẻ hay chơi. Ảnh: Sở Y tế Cao Bằng

Các bác sĩ đã vận động gia đình đào và tiêu hủy ngay các gốc cây lá ngón có sẵn trong khu vực sau nhà, nơi trẻ thường xuyên chơi. 

Tại các vùng vùng núi, tình trạng người dân ngộ độc lá ngón không hiếm. Đầu tháng 12, hai nữ sinh lớp 8 ở Sơn La cũng ăn nhầm lá ngón, một ca tử vong. Trước đó, 7 người đàn ông ở Đô Lương, Nghệ An bị nôn, chóng mặt, cơ tay chân khó vận động, đi viện sau khi uống loại nước từ cây lá ngón; hoặc nhóm 9 công nhân ở Cao Lộc, Lạng Sơn cũng phải đi cấp cứu vì ăn lá ngón xào.

Lá ngón là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A), chứa hoạt chất kịch độc Alkaloid gây chết người. Lá ngón rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được nên dễ gây nhầm lẫn.

Lá ngón do bệnh nhân bị ngộ độc mang đến bệnh viện ở Lạng Sơn. Ảnh: BVCC

Bị ngộ độc lá ngón, bệnh nhân có các triệu chứng:

- Đau bụng, buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi, bí đái, da lạnh, vã mồ hôi, yếu mệt cơ tay chân khó vận động, nặng có thể gây liệt cơ hoàn toàn.

- Giãn đồng tử dẫn đến nhạy cảm với ánh sáng, chói mắt, sụp mi và liệt cơ hàm dưới dẫn đến rơi hàm dưới không khép được vào miệng.

- Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp; nhịp tim chậm, huyết áp tụt có thể dẫn đến ngừng tim; tăng phản xạ gân xương, co giật.