Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chỉ trong một tuần qua, Thủ đô đã có 80 ca mắc tay chân miệng, tăng mạnh so với tuần trước đó (50 ca). Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 378 ca mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. 

Tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng gồm: Ba Vì (3), Thạch Thất (1), Chương Mỹ (1), Thanh Oai (1). Cộng dồn trong năm 2023 đã có 20 ổ dịch tay chân miệng được phát hiện, hiện còn 9 ổ dịch đang hoạt động.

CDC Hà Nội nhận định dù số mắc tay chân miệng tăng so với tuần trước nhưng phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng (Ảnh: Sở Y tế).

Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm 2023 cho tới nay, có hơn 100 trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng.

Tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tuần qua đã có sự gia tăng trẻ mắc tay chân miệng nhập viện.

BSCKII Trần Thị Kim Anh - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, hiện tại, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 10-15 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và 5-7 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp diễn biến nặng.

Có 2 đường lây truyền phổ biến của bệnh tay chân miệng là:

- Lây truyền qua tiếp xúc gần: Do tiếp xúc với tay chân người bệnh, khăn tắm, đồ vệ sinh cá nhân, đồ chơi, bộ đồ ăn, dụng cụ pha sữa, giường và đồ lót bị nhiễm virus.

 - Lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Theo BS Kim Anh, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4.

"Nếu sau một ngày, trẻ vẫn sốt cao thì gia đình nên đưa con đi khám. Tại cơ sở y tế, trẻ có thể được làm test nhanh SARS-CoV-2, làm test nhanh kháng nguyên sốt xuất huyết để loại trừ. Song song với đó, bác sĩ thăm khám xem trẻ có loét họng, có biểu hiện bóng nước hồng ban lòng bàn tay, chân, mông, gối để kịp thời phát hiện sớm bệnh tay chân miệng, điều trị kịp thời, tránh tình trạng trở nặng", BS Kim Anh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. 

Bệnh có thể gây các biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, suy hô hấp và khả năng tử vong rất cao. Do đó, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần cảnh giác cao, theo dõi biểu hiện lâm sàng để kịp thời đưa trẻ đến các cơ sở y tế điều trị.

BSCKII Trần Thị Kim Anh khuyến cáo, trẻ em thường có sức đề kháng yếu, khả năng tự nhận thức bảo vệ bản thân chưa có nên dễ mắc bệnh hơn người lớn. Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.

Khi trẻ bị bệnh cần đưa đi thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm của người lớn.