Hà Nội: Số ca mắc thủy đậu, tay chân miệng tiếp tục tăng
Gia tăng ca mắc thủy đậu
Thông tin từ Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 1/4 đến 7/4), Hà Nội ghi nhận 185 trường hợp mắc thủy đậu. Số ca mắc tăng so với tuần trước (166 ca).
CDC Hà Nội ghi nhận một số chùm ca bệnh tại trường Tiểu học Vân Hòa, Ba Vì (17 trường hợp), mầm non Phú Đô, Nam Từ Liêm (18 trường hợp), Tiểu học Dân Hòa, Thanh Oai (9 trường hợp), mầm non Yên Trung, Thạch Thất (12 trường hợp).
Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận 985 ca mắc. Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022 (14 ca).
Liên quan đến bệnh tay chân miệng, CDC Hà Nội thông tin, tuần qua, TP ghi nhận 50 ca mắc. Số ca mắc giảm so với tuần trước (63 ca). Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay là 298 ca mắc. Số ca mắc tăng 294 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022(4 ca).
Đặc biệt, TP Hà Nội đã ghi nhận 3 ổ dịch tại: Mầm non Họa Mi-Yên Bình-Thạch Thất (2 trường hợp), Sổ Tơi-Yên Trung-Thạch Thất (2 trường hợp), tổ 19-TT Đông Anh (2 trường hợp). Cộng dồn, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP Hà Nội ghi nhận 11 ổ dịch, hiện còn 6 ổ dịch đang hoạt động.
Còn về dịch sốt xuất huyết, tuần qua, TP ghi nhận 9 ca mắc. Số ca mắc tăng 1 trường hợp so với tuần trước (8 ca).
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP có 206 ca mắc sốt xuất huyết. Số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10 ca mắc). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 128/579 xã, phường, thị trấn. Hiện, TP Hà Nội không ghi nhận ổ dịch. Cộng dồn năm 2023, Hà Nội ghi nhận 9 ổ dịch, hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Trong tuần, ngành Y tế Thủ đô đã giám sát, điều tra, xử lý dịch với bệnh nhân, ổ dịch phát hiện tại cộng đồng và các cơ sở y tế được phân cấp. Giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại: Ngõ 39 Linh Lang, Cống Vị, Ba Đình (BI=15; NCBG=15%), Thụy Ứng, thị trấn Phùng, Đan Phượng (BI=25, NCBG=20%, MĐM Aedes aegypti=0,2).
Giám sát công tác xử lý ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non Quốc tế Việt Mỹ, Hoàng Liệt, Hoàng Mai; mầm non Đồng Tháp, Đan Phượng.
Đánh giá tình hình dịch, CDC Hà Nội nhận định, trong tuần, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục ghi nhận ở mức thấp. Số ca mắc tay chân miệng giảm so với tuần trước, phần lớn ca bệnh là tản phát. Dự báo, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã.
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, ghi nhận các chùm ca bệnh trong trường học, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp như: cúm, ho gà, sởi, adeno virus... có thể gia tăng.
Thời gian tới, CDC Hà Nội tiếp tục điều tra, xử lý triệt để các ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để dịch lây lan. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm bằng nhiều hình thức.
Triển khai hoạt động giám sát tại các ổ dịch cũ, các khu vực nguy cơ cao sốt xuất huyết nhằm đánh giá nguy cơ để có kế hoạch chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm A (H5N1) trên gia cầm, thủy cầm để có biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng biện pháp đáp ứng.
Ngoài ra, CDC duy trì công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc/mắc bệnh dịch, lưu ý các trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia có dịch Marburg khu vực Châu Phi trong vòng 21 ngày.
Chủ động phòng bệnh, tránh biến chứng nặng
Hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển và gia tăng như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.
Vì vậy, để chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa hè và đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Kiểm tra thân nhiệt của hành khách bằng máy đo thân nhiệt, lưu ý hành khách đến từ các quốc gia có dịch cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg…
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu áp dụng biện pháp cách ly, chuyển tuyến điều trị đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đồng thời thông báo cho trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã để tổ chức giám sát dịch tại cộng đồng. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh dịch tại các bệnh viện trung ương và thành phố, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng.
Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm ca bệnh dịch; tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để không để dịch lan rộng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh.
Theo ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, thời điểm này, số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng, virus hợp bào hô hấp (RSV)… nhập viện gia tăng.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi phải điều trị nội trú, trong đó số lượng bệnh nhân mắc RSV chiếm khoảng 30%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, nhiều bệnh nhi dưới 2 tuổi mắc RSV có biến chứng nặng, phải thở máy. Trước số lượng bệnh nhân gia tăng, Khoa Nhi phải bố trí kê thêm giường để tránh tình trạng trẻ phải nằm ghép. Ngoài thủy đậu, RSV, bệnh tay chân miệng cũng đang “vào mùa”.
Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương đã điều trị cho 37 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện có hơn 100 trẻ nhập viện do tay chân miệng.
Cũng theo Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu (dân gian gọi trái rạ) ở trẻ em. Đây là bệnh truyền nhiễm nhưng lành tính, không có triệu chứng nặng nề, tuy nhiên, rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc phỏng nước, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não.... nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết”.
Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học. Theo chuyên gia, tiêm vaccine là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phòng bệnh thủy đậu cho trẻ.
Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn.
Để phòng bệnh, người dân tránh tiếp xúc người bệnh bị thủy đậu hoặc Zona. Vệ sinh cá nhân. Khi trẻ có triệu chứng sốt, phát ban phỏng nước, gia đình nên cách ly con không tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây nhiễm. Phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh nắng mặt trời. Nếu con có các biểu hiện ho nhiều, khó thở, mệt mỏi, li bì cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.