Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, sáng 14/11, Hà Nội tiếp tục đứng trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới khi chỉ số AQI là 187. Bầu trời Thủ đô mù mịt, tầm nhìn giảm thấp khiến tình trạng ô nhiễm bụi mịn vượt xa tiêu chuẩn an toàn với sức khỏe.

Cụ thể, lúc 8h30 ngày 14/11, tại ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm không khí PamAir, điểm có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất là TT Đông Anh với AQI lên đến 227, mức cảnh báo màu tím - cực kỳ nguy hại khi làm việc, tiếp xúc trực tiếp ngoài môi trường. Rất nhiều điểm có chỉ số chất lượng không khí xấu như Xuân Phương có AQI 196, Ngọc Hà 193, Trường Đại học Luật Hà Nôi 181, Kim Mã 166, Trần Hưng Đạo 184...

Tại Cổng Thông tin quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội lúc 8h30 phút sáng nay, hàng loạt điểm đo có mức cảnh báo ô nhiễm không khí màu đỏ hoặc màu cam như An Khánh 152, Thanh Xuân 120, Cầu Giấy 105, Cung thiếu nhi Hà Nội 118, phố Hàng Mã 113, Bắc Từ Liêm 147, Thanh Xuân 120, Văn Điển 125...

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài nhiều ngày - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Theo thông tin từ báo Dân Trí, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

Người dân nên vệ sinh mũi, súc họng vào buổi sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; thường xuyên tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ…

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu do bụi mịn PM2,5 - vốn được coi là tử thần trong không khí, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch.

4 nhóm nguyên nhân lớn dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng như vùng lân cận được nhiều cơ quan xác định do hoạt động giao thông vận tải, hoạt động công nghiệp - làng nghề, xây dựng và đốt rác, rơm rạ,...