Từ sáng sớm 28/1 (tức 23 tháng Chạp) đã có nhiều người đến Hồ Tây thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời vì đây là một nơi linh thiêng đối với người Hà Nội, lại là hồ lớn nhất thủ đô nên được nhiều người chọn làm nơi thả cá.

Ngoài ra, tại các khu vực chùa Trấn Quốc, công viên Thủ Lệ, khu vực sông Hồng ngay bên cầu Long Biên cũng tập trung nhiều người đến thả cá.

Thả cá chép tại chùa Trấn Quốc

Quan niệm dân gian, ông Công ông Táo sẽ đi cá chép lên chầu trời, lại có ba vị nên vào ngày lễ này, người dân thường thả 3 con cá chép hoặc nhiều hơn.

Theo người dân, do năm nay giá cá chép rẻ hơn năm ngoái, chỉ khoảng 25 ngàn đồng/con nên nhiều người đi thả cá hơn. Do ngày 23 âm lịch rơi vào thứ Hai nên từ Chủ Nhật, nhiều gia đình đã tiến hành thả cá, tiễn ông Công ông Táo về trời sớm.

Tuy nhiên, theo như ghi nhận, không phải gia đình nào cũng ở gần những điểm thả cá lý tưởng như sông, hồ nước sạch. Một số người đã đem cá đến những khu vực nguồn nước bị ô nhiễm để thả, "tiện thể" vứt túi nilon càng làm cho tình trạng thêm nghiêm trọng.

Nhiều chú cá chép sau khi được thả đã nhanh chóng chết, nổi trên mặt nước. Ngoài ra, nhiều người còn thả cá từ trên cao, thả cùng túi bóng chưa mở nút.

Đã có nhiều người có ý thức hơn, biết bỏ túi nilon tại khu vực tập kết rác. Tuy nhiên, vẫn có những người ném cá từ trên cao xuống nước.
Việc thả cá không đúng cách khiến cá chết hàng loạt
Một chú cá chép đáng thương sau khi được thả nhưng không có lối thoát
Tại một số điểm có tình nguyện viên đứng hỗ trợ người dân thả cá bằng xô có buộc dây
Tình nguyện viên đi thu gom túi nilon tại một khu vực sông ô nhiễm
Nhóm tình nguyện viên kéo rác lên bằng xô dây 
Một chú cá chết ngay sau khi được thả tại khu vực ô nhiễm, lẫn trong đống tro than