Tôi về làm dâu của mẹ đã hơn 3 năm nay. Giữa hai mẹ con chưa từng xảy ra mâu thuẫn nào đáng kể, kể cả quãng thời gian bà từ quê ra chăm sóc tôi sau sinh. Nhiều người nói tôi có phúc nên gặp được người mẹ chồng hiền lành. Cũng có người bảo đấy là do tôi không phải sống chung với mẹ chồng.

Tôi thì nghĩ mọi mối quan hệ muốn tốt đẹp đều phải có qua có lại. Vậy nên ngay từ đầu tôi luôn cư xử hiếu thuận, tôn trọng mẹ chồng để mong bà cũng đối xử tử tế với mình. 

Bố mẹ chồng tôi sống ở quê, cả đời ông bà chăm chỉ làm nông nên cũng đủ ăn, đủ mặc và nuôi con cái trưởng thành. Mặc dù có tới 3 người con trai nhưng hiện tại chỉ có ông bà sống với nhau, các con đều lập nghiệp xa quê nhà.

Nhiều khi tôi cảm thấy rất thương bố mẹ chồng vì có cái gì cũng dành cho con hết. Bây giờ, khi tuổi đã cao, ông bà không thể ra đồng làm việc vất vả như trước nhưng ngày nào cũng chăm bón mảnh vườn, chăn nuôi gà vịt rồi định kỳ hằng tháng gửi các loại thực phẩm của nhà cho 3 gia đình con trai.

Mỗi lần nhận thùng rau củ, thịt thà của bố mẹ chồng, tôi đều cảm động và biết ơn. Nhiều lần cầm túi thịt gà hoặc mớ rau cằn cỗi, tôi muốn ông bà đỡ phần vất vả nên định bảo ông bà đừng gửi nữa vì trên thành phố có thiếu gì đâu, ông bà khó khăn lắm mới làm ra thì cứ giữ lại mà ăn. Tuy nhiên, tôi lại không dám nói ra vì hiểu trong những thùng đồ gửi đi ấy còn có cả tình cảm yêu thương của bậc bố mẹ dành cho con. Tôi càng cảm nhận sâu sắc điều đó khi trở thành mẹ.

Để bớt áy náy, tôi thi thoảng lại mua quà hoặc dành ra một món tiền nhỏ để biếu bố mẹ chồng. Nhưng vì mẹ chồng luôn khách khí, không cầm tiền của con dâu nên tôi phải nhờ chồng làm thay việc đó.  

Chồng tôi vốn vô tâm, hễ về quê là lại như đứa trẻ, chỉ thích đi chơi với bạn bè. Vì vậy, tôi phải liên tục nhắc nhở anh ấy phụ giúp bố mẹ mấy việc lặt vặt, khi thì sửa hàng rào, khi thì dọn vườn cỏ… 

Có lẽ mẹ chồng cũng nhìn thấy những sự quan tâm của tôi nên bà hay đùa bảo là sau này khuất núi sẽ cho con dâu út thừa kế mấy món đồ quý nhất trong nhà.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, vì bận quá nên tôi chuyển khoản nhờ người quen biếu tiền mẹ đẻ và mẹ chồng mỗi người 2 triệu. Sau đó tôi gọi điện dặn hai bà thích mua gì thì mua. Tôi cứ yên chí thế cho tới sáng hôm sau nhận thùng đồ thực phẩm của mẹ chồng.

Như mọi khi, thấy chồng khuân thùng đồ nặng trĩu vào nhà là tôi xông vào bóc gỡ xem có những gì, xem cái nào cần cho vào tủ lạnh ngay… Sau khi nhặt ra nào rau, nào trứng, nào cá kho, thậm chí có cả ruốc thịt, lá chanh thì tôi phát hiện dưới đáy thùng là một chiếc phong bì. Ngoài phong bì mẹ chồng ghi 3 chữ ngắn gọn “Cảm ơn con”.

Tôi vội bóc phong bì ra thì bên trong có 4 tờ 500 ngàn và 1 tờ 200 ngàn. Tôi lặng người vì số tiền ấy có lẽ là số tiền tôi gửi biếu mẹ chồng hôm qua và thêm một phần nhỏ của bà. 

Khi tôi gọi điện về trách mẹ chồng trả lại món quà thì bà phân trần là bản thân chẳng thấy thiếu thứ gì, con cháu đều ngoan và hiếu thuận là món quà lớn nhất của bà rồi. Bà cho rằng chúng tôi phải chi tiêu nhiều hơn ở thành phố nên gửi số tiền này để tôi lo liệu cho gia đình.

Những điều mẹ chồng nói khiến tôi cảm phục bà hơn. Cách sống của bà thực sự là bài học quý giá để tôi biết làm sao trở thành một người mẹ tốt.