1. Thay vì khen: "Con làm tốt lắm!"

Phụ huynh nên thử: "Cảm ơn con đã giúp bố/mẹ dọn dẹp. Bố/mẹ thích cách con xếp những đôi giày gọn gàng trên giá như thế. Chúng ta sẽ dễ dàng tìm chọn giày vào buổi sáng".

Ghi nhận thật cụ thể việc trẻ đã làm là một trong những chìa khóa khiến lời khen của bố mẹ hiệu quả hơn. Không nên khen ngợi chung chung việc trẻ làm tốt, bố mẹ hãy nói chính xác về điều mình thấy hài lòng, lý do hài lòng. Như vậy trẻ sẽ thấy được việc mình làm có giá trị và có thể tiếp tục làm những lần khác.

Bố mẹ nên khen ngợi những nỗ lực của con chứ không phải chỉ tập trung vào kết quả. (Ảnh minh họa)

 

2. Thay vì khen: "Con đã làm được điều đó!"

Phụ huynh nên thử: "Bố/mẹ đã thấy con cố gắng buộc dây giày nhiều lần. Thật khó phải không con? Bố/mẹ vui vì con đã không bỏ cuộc. Bố/mẹ đã chắc chắn con sớm làm được với sự cố gắng và kiên nhẫn đó".

Khen ngợi những nỗ lực của trẻ chứ không phải chỉ tập trung vào kết quả. Bố mẹ nên khen cả những nỗ lực trước khi trẻ làm được điều chúng đã cố gắng. Điều này giúp trẻ thấy được sự tin tưởng bố mẹ đặt vào chúng.

3. Thay vì khen: "Con trông thật đẹp trai/xinh gái!"

Phụ huynh nên thử: "Bố/mẹ thích những con vật nhỏ in trên áo phông của con. Con thích con nào nhất? Tại sao vậy?"

Nếu bố mẹ muốn bình luận về ngoại hình của trẻ thì có thể khen ngợi những gì trẻ có thể thay đổi, ví dụ như trang phục. Sử dụng điều đó để bắt đầu một cuộc trò chuyện, giúp trẻ thấy được sự quan tâm của bố mẹ đến những gì chúng nghĩ và cảm nhận.

Ghi nhận thật cụ thể việc con đã làm là một trong những chìa khóa khiến lời khen của bố mẹ hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa)

4. Thay vì khen: "Bức tranh con vẽ đẹp tuyệt!"

Phụ huynh nên thử: "Bố/mẹ thích màu sắc mà con đã chọn cho những bông hoa. Vì sao con chọn màu đó?"

Hẳn mỗi bức tranh trẻ vẽ đều đặc biệt và mới mẻ với bố mẹ. Dễ dàng để khen bức tranh trẻ vẽ thật đẹp, nhưng bố mẹ nên chọn ra các phần, chi tiết trong đó để hỏi về lựa chọn của chúng. Trẻ sẽ thấy được bố mẹ thực sự chú ý và đánh giá cao tác phẩm của chúng.

5. Thay vì khen: "Con rất thông minh!"

Phụ huynh nên thử: "Con đã rất chăm chỉ để làm những bài toán đó. Bố/mẹ biết rằng con có thể giải được chúng khi con thực sự tập trung".

Khi khen ngợi trẻ, ví dụ như trí thông minh hoặc năng khiếu nhất định, bố mẹ nên tập trung hơn vào sự chăm chỉ, cố gắng của trẻ. Không nên để trẻ nghĩ rằng chúng tự nhiên giỏi. Như vậy, trẻ có thể nghĩ không cần cố gắng quá nhiều ở những lần tiếp theo.

Thay vì khen ngợi chung chung, bố mẹ có thể đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ, cảm nhận về điều tích cực mình đã làm. (Ảnh minh họa)

6. Thay vì khen: "Con đã làm được một việc tốt"

Phụ huynh nên thử: "Bố/mẹ nhìn thấy con đã đỡ bạn khi bạn bị ngã. Bạn ấy đã rất đau phải không con? Bố/mẹ nghĩ con đã giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Con cũng thấy vui khi giúp được bạn chứ?"

Vẫn là việc bố mẹ nên đánh giá cao hành động tốt của trẻ bằng việc mô tả lại rõ điều mình chứng kiến. Đặt câu hỏi để trẻ suy nghĩ, cảm nhận về điều tích cực mình đã làm. Như vậy, trẻ sẽ có một năng lượng tốt và muốn thực hiện những điều tương tự.

7. Thay vì khen: "Con rất ngoan khi bình tĩnh lại"

Phụ huynh nên thử: Bố/mẹ biết con đang tức giận. Ai cũng có lúc tức giận, nhưng bố/mẹ ở đây và có thể giúp con bình tĩnh lại".

Trẻ không tức giận mà không có lý do. Khi đó trẻ thấy khó chịu và khó kiểm soát cảm xúc của mình. Bố mẹ nên hỗ trợ để giúp trẻ bình tĩnh lại thay vì khiến trẻ hiểu rằng chúng chỉ ngoan khi phải làm trái với cảm xúc của bản thân.