Án mạng từ tờ rơi mời gọi cho vay "tiền tươi"

Liên tục trong thời gian qua, dù dư luận lên tiếng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen thế nhưng vẫn tiếp tục có không ít người sa vào cái bẫy này. 

Thậm chí nhiều gia đình đã vào cảnh khốn cùng, có người bế tắc tìm đến cái chết. Những hệ lụy do dính vào tín dụng đen vẫn còn dai dẳng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, gần đây, các cơ quan chức năng xử lý hàng loạt vụ việc cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản để xiết nợ.

Nhan nhản bẫy cho vay tiêu dùng dán ở bờ tường, cột điện. Ảnh: Thu Hà

Những dòng chữ mời gọi, cùng với số điện thoại luôn sẵn sàng. Không ít người đang cần tiền đã tìm đến. Số tiền cho vay không lớn, khoảng vài chục triệu đồng.

Nhưng nếu không xem xét kỹ, nhiều người dễ sập bẫy lãi suất vay tiền ngất ngưởng. Khoản nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ khiến con nợ không thể thoát khỏi vòng xoáy nợ nần. 

Dễ vay, thủ tục nhanh gọn nhưng dễ khiến con nợ ngập trong vòng xoáy nợ nần. Ảnh: Thu Hà

Sở dĩ nhiều người sập bẫy "tín dụng đen" bởi loại hình cho vay này rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần "alo là có tiền" ngay lập tức. Đổi lại, tiền lãi suất thì ở mức "cắt cổ". Từ đó xảy ra nhiều hệ lụy khôn lường. 

Số liệu thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.

Trong đó, có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.

Trong đó, khoảng 170 vụ lừa đảo liên quan đến việc huy động vốn lãi suất cao với số tiền chiếm đoạt đến nghìn tỷ đồng.

Tỉnh táo để tránh rơi vào "ác mộng lãi mẹ đẻ lãi con"

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định vay tiêu dùng mở rộng ra thành nhiều hình thức với nhiều tên gọi khác nhau như vay “nóng”, vay tín chấp, mua hàng trả góp, nhận cắm thẻ sinh viên, bằng Đại học…

Lợi trước mắt là khách hàng nhanh chóng có trong tay một khoản tiền. Thế nhưng, đằng sau “mánh” cho vay tiền đơn giản, linh hoạt đến mức dễ dãi đa phần là những phiền toái khó lường.

Một bờ tường, năm mảnh giấy mời cho vay tiền bị người dân bức xúc xé bỏ. Ảnh: Thu Hà

Luật sư Long đã tiếp nhận không ít trường hợp nạn nhân là sinh viên vay tiền từ những dịch vụ cho vay "nóng" để giải quyết khó khăn trước mắt mà không lường được hậu quả "lãi mẹ đẻ lãi con" trong một thời gian ngắn. Đến khi số nợ đã đội lên vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu, "đầu gấu" hăm dọa, truy lùng ráo riết khiến nạn nhân sợ hãi, bỏ học và phải tìm đến luật sư nhờ trợ giúp. 

Hôm sau lại xuất hiện nhiều mảnh giấy mời cho vay tiền mới dán đè lên. Ảnh: Thu Hà

Thực tế cho thấy không ít bà nội trợ "mờ mắt" trước lãi suất lớn này nên đã dùng số tiền nhàn rỗi của mình để cho vay “nóng” như một nghề tay trái để kiếm lời hàng tháng với lãi suất dao động từ 3000 đồng – 5000 đồng/ 1 triệu/ ngày.

Đến khi bị con nợ "bùng tiền", chuyện xích mích, ẩu đả là khó có thể tránh khỏi. 

“Vay mượn là chuyện tất yếu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh. Chúng ta không thể ngăn cấm hay hạn chế việc vay mượn được mà chỉ có thể đưa ra những nguy cơ, rủi ro để người đi vay cân nhắc.

Mỗi hợp đồng vay nợ có một đặc điểm, điều khoản khác nhau. Mà trong đó, các điều khoản trong hợp đồng vay nợ thường bất lợi cho người vay. Tốt nhất, nếu có nhu cầu vay tiền, người dân cần phải có tư vấn kỹ càng của những người hiểu biết về kinh tế, luật pháp, để tránh tình trạng đặt bút ký rồi tiền mất tật mang”, Luật sư Long khuyến cáo.

"Vay tiền nhanh, không cần thế chấp, "Alo là có tiền!"... Những tờ giấy với lời mời chào này dán ở các trụ điện, bờ tường ở các hẻm, đường phố nơi có đông người qua lại. 

Người dân hãy hết sức tỉnh táo để tránh rơi vào cái bẫy "chết người" này.