Đằng sau câu chuyện ồn ào Nờ Ô Nô bị chỉ trích vì quay video làm từ thiện nhưng sử dụng từ ngữ miệt thị người nghèo, trên MXH xuất hiện nhiều ý kiến khắt khe hơn về việc các TikToker làm nội dung thiện nguyện trên nền tảng này. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn có nhiều video được thực hiện đậm tính nhân văn, ý nghĩa, cùng một cách khai thác về nội dung giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố nhưng đem đến giá trị tích cực, không phản cảm.

Nờ Ô Nô làm nội dung thiện nguyện sử dụng từ ngữ miệt thị người nghèo gây ảnh
hưởng đến cộng đồng TikToker

Chắc chắn nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh chàng trai với vẻ ngoài bụi bặm, chạy chiếc xe máy chở thùng bánh mì, khẩu trang... đi phát cho người nghèo ở Sài Gòn trong thời điểm dịch Covid-19 năm ngoái. Đó là Lâm Ống Húc, làm nghề thợ mộc và có kênh TikTok gần 850.000 lượt theo dõi cùng 21,3 triệu lượt yêu thích.

Anh thợ mộc ngày ngày chở sự tử tế, lan tỏa yêu thương

Anh Phạm Tùng Lâm (30 tuổi, làm thiết kế nội thất, sinh sống ở TP.HCM) còn được gọi với cái tên "Lâm Ống Húc", những ngày tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp ở TP.HCM, anh đã rong ruổi khắp con đường để giúp đỡ những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Chiếc xe cà tàng không chỉ chở bánh, sữa, khẩu trang,... mà con đong đầy đầy sự tử tế, tình yêu thương của chàng trai 30 tuổi. 

Anh Lâm giản dị, mộc mạc từ cách ăn mặc đến lời nói

Những ngày Sài Gòn "trọng bệnh", không quản nắng hay mưa, anh Lâm luôn ra khỏi nhà vào lúc 9h sáng trên con xe anh gọi là "chiến mã" cà tàng. 

Chiếc xe gắn máy được người em cho mà anh Lâm hay gọi là "cà tàng"

Ngày ngày, anh Lâm sửa soạn các nhu yếu phẩm cho vào giỏ, tận dụng những chỗ có thể để trên chiếc xe cub của mình rồi anh đợi tới 12 giờ trưa là muộn nhất để xem các nhà hảo tâm có ship nhu yếu phẩm tới không, sau đó anh mới bắt đầu xuất phát. Mỗi ngày anh trao tặng khoảng 200 phần quà "của ít lòng nhiều". Với anh, hành động này không phải là "phát từ thiện" mà là trao tặng yêu thương. 

Rong ruổi khắp nẻo đường. Từ khi TP.HCM quy định giờ nghiêm thì anh Lâm cố gắng hoàn thành việc thiện nguyện trước 18 giờ

Sau và trước xe buộc chặt chiếc giỏ to đùng chứa đầy bánh mì, bánh tét, hộp khẩu trang, sữa tươi… rồi rong ruổi khắp các con phố, ngõ hẻm để "truy tìm" người nghèo.

Tuy quà không đáng bao nhiêu nhưng trong đó chất chứa nhiều tình cảm mà anh dành cho mọi người.
Quần sọt, áo jean bụi cùng đôi dép lào và ngồi lọt thỏm trong chiếc xe máy nhỏ nhắn… là những hình ảnh mà ai cũng ấn tượng với chàng trai này. “Tôi thấy vui và hãnh diện vì đã làm những việc mà nhiều người không làm được”, anh Lâm thẳng thắn chia sẻ. Sau khi Sài Gòn hết giãn cách, Lâm Ống Húc vẫn duy trì những hoạt động thiện nguyện, giúp đời giúp người một cách chân thành và đáng quý nhất.
Và đằng sau những chuyến xe rong ruổi giúp bà con nghèo là những phút giây chợp mắt của anh bên lề đường.
Làm thiện nguyện, phát huy tinh thần "lá lành đùm lá rách" là truyền thống tốt đẹp của người Việt, được gìn giữ và phát huy qua thời gian và thế hệ. Ngày nay, những người trẻ có cách làm từ thiện riêng để giúp đỡ mảnh đời bất hạnh, đó là điều đáng hoan nghênh. Nhưng dù ở thời đại nào, "của cho không bằng cách cho", dù là món quà nhỏ hay giá trị lớn, cách cho đi xuất phát từ tâm thiện lành mới thực sự đáng trân trọng và từ trái tim chạm đến trái tim.