Giấu bệnh - cuộc chiến đơn độc của người bị ung thư
Bệnh nhân đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, tình cờ phát hiện khối u ở đại tràng. Anh quyết định về Việt Nam kiểm tra lại, "phòng tình huống xấu thì điều trị sẽ rẻ hơn". Ngồi đợi khám ở hành lang hồi tháng 3, anh cầu mong "bản án" không gọi tên mình. Kết quả, bệnh nhân mắc ung thư đại tràng giai đoạn ba, đã di căn.
Thay vì tìm phác đồ điều trị, anh đã "van nài" bác sĩ giữ bí mật với người thân vì sợ trở thành gánh nặng và bị hàng xóm kỳ thị. Anh mới kết hôn được một năm, trẻ tuổi, lại là trụ cột kinh tế của gia đình. Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), kể bệnh nhân thường xuyên đi hóa trị một mình trong khi các trường hợp khác đều có người thân bên cạnh. Tác dụng phụ của những đợt hóa trị đầu tiên rất "khủng khiếp", khiến họ buồn nôn và nôn, không muốn ăn uống, mệt mỏi, đau đớn.
"Người đàn ông không nói gì, nhưng tôi hiểu anh đang đơn độc trong cuộc chiến của mình", bác sĩ nói.
Trường hợp khác, nam, 45 tuổi, mắc u dạ dày, không ăn uống được, kiên quyết tự điều trị, không báo với các con. Người bệnh nói hai con của ông đều khó khăn tài chính, nên bệnh nhân không muốn thành gánh nặng. Ngoài ra, quan niệm "ung thư là án tử" khiến ông buông xuôi, không muốn điều trị, nghĩ "có báo với gia đình cũng chết, không báo cũng chết" nên chọn giấu kín. Bệnh nhân kiên quyết không động dao kéo vì sợ các tế bào ác lan rộng.
Hiện Việt Nam chưa có thống kê những người mắc ung thư giấu bệnh, song các bác sĩ đã gặp nhiều trường hợp như trên trong quá trình điều trị. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư cao trên toàn cầu, với hơn 300.000 người sống chung với bệnh, gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết mỗi năm.
Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Nam cho rằng người giấu bệnh không muốn gia đình phải lo lắng, sợ trở thành gánh nặng tâm lý và kinh tế, thậm chí kiệt quệ tài chính.
Điều trị ung thư rất tốn kém, nhất là khi sử dụng các thuốc mới, như thuốc đích và thuốc miễn dịch. Hiện, đa số thuốc chữa ung thư truyền thống như truyền hóa chất được BHYT chi trả nhưng nhiều tác dụng phụ. Các thuốc mới giá lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ cho nhiều đợt, khiến nhiều người bỏ cuộc.
Năm 2015, Viện Nghiên cứu Sức khỏe toàn cầu George khảo sát tại 8 quốc gia với gần 10.000 bệnh nhân ung thư, 20% trong số đó ở Việt Nam. Kết quả 55% bệnh nhân gặp thảm họa tài chính và tử vong trong vòng một năm sau khi phát hiện bệnh. Sau 12 tháng điều trị, 66% người bệnh phải đi vay tiền chữa tiếp tục, 34% không đủ tiền mua thuốc, 24% khánh kiệt kinh tế gia đình.
Chưa kể, nhiều bệnh nhân định kiến "ung thư là án tử", "ung thư là nghiệp báo", "bị ung thư là trời phạt" khiến họ bi quan, buộc phải giấu bệnh vì sợ bị kỳ thị, dèm pha. Không chỉ Việt Nam, ở nhiều quốc gia châu Á, nhiều người vẫn coi ung thư là "quả báo", sự trừng phạt đối với bệnh nhân.
Một số người quan niệm ung thư có thể "lây nhiễm" nên kiên quyết tránh xa người mắc, hoặc phụ nữ bị nghi là "không chung thủy" khi bị u vú. Nỗi sợ bị dèm pha khiến các ca bệnh càng dễ bị trầm cảm, stress, lo lắng quá mức, tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn hơn.
"Những định kiến sai lệch như thế này về bệnh ung thư không những xuất hiện ở người ít hiểu biết mà ở cả giới có học thức", Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội, nói.
Chụp cộng hưởng từ não cho bệnh nhân. Ảnh: Theo Pexels
Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết việc bệnh nhân giấu bệnh dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe và tinh thần. Ngoài cú sốc mắc bệnh, họ phải gặm nhấm nỗi đau một mình, không có người chia sẻ, động viên, hỗ trợ tài chính dẫn đến dễ buông xuôi, từ bỏ sự sống nhanh hơn.
Thông thường, tâm lý người bệnh ung thư sẽ trải qua 5 giai đoạn gồm phủ nhận, oán trách, thương lượng, suy sụp, chấp nhận. Hầu hết khi người bệnh chấp nhận sự thật, họ mới thông báo với gia đình, khiến quá trình điều trị thêm phần khó.
Bác sĩ khuyên người bị ung thư nên chia sẻ với gia đình, không định kiến hoặc mù quáng tin các phương pháp điều trị truyền miệng, không có căn cứ khoa học. Ngoài bệnh nhân, bác sĩ sẽ tìm cách trấn an tinh thần cho gia đình, giúp họ hiểu đầy đủ thông tin về bệnh để cùng nhau chiến đấu.
Hiện, các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc kéo dài thời gian sống, tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại ung thư, tỷ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng...
"Quan trọng nhất là họ phải tin tôi, tin vào y học và chấp nhận điều trị. Ung thư phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi hoàn toàn", bác sĩ chia sẻ.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....