Học tập không ngừng để hoàn thiện bản thân

Gia Cát Lượng cho rằng: “Học tập cần phải chuyên tâm ý chí, để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập, thì không thể phát triển tài trí; không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập”.

Học tập không ngừng là cách cơ bản nhất để hoàn thiện bản thân. Nhưng học chỉ ở trường là không đủ mà chúng ta cần học trong đời sống, học từ người khác….Trong quá trình học tập, ý chí quyết tâm, sự kiên trì, nỗ lực là những yếu tố rất quan trọng để chúng ta đạt được mục đích cuối cùng của sự học.

Các bậc phụ huynh cần tạo cho trẻ em sự hứng thú với học tập, tìm tòi và rèn luyện tính kiên trì ngay từ những ngày đầu tới trường. Kiên trì chưa chắc đã thành công nhưng người không kiên trì thì chắc chắn không bao giờ đi được đến thành công.

Bài học về chữ “Tĩnh”

“Phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn, là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng phẩm đức. Không xem nhẹ danh lợi thế tục thì không thể xác định được chí hướng của bản thân; thân tâm không tĩnh lặng, thì không thể có lý tưởng cao xa”.

Gia Cát Lượng cho rằng, tâm phải tĩnh thì mới có thể tu dưỡng, nếu không con người dễ bị đánh bại bởi gièm pha, khiến cho ý chí bị lung lay.

 
Tận dụng thời gian

Thời gian là thứ tài sản vô giá mà khi mất đi rồi sẽ chẳng lấy lại được. Vậy nên, Gia Cát lượng mới căn dặn con mình: “Tuổi tác trôi qua, ý chí hao mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở có ích gì đâu?”.

Ai cũng chỉ có một thời tuổi trẻ. Rồi ai cũng già đi, theo quy luật sinh – lão – bệnh – tử. Sức lực và tinh thần của con người cũng suy yếu dần theo tuổi tác. Vậy nên nhân lúc còn trẻ hãy tự mình theo đuổi thành công, hãy nắm bắt những cơ hội phát triển, để khi về già không phải hối tiếc sao “tuổi xuân chẳng 2 lần thắm lại”.

Thành thật trong tâm hồn

“Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật khảng khái thì anh ta sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng” là những gì mà Gia Cát Lượng khuyên dạy về tính trung thực trong bức thư gửi cháu mình.

Người trung thực là người có tâm hồn đủ khảng khái để tránh xa mọi cám dỗ, dục vọng của cuộc đời, kẻ không kiên định, thẳng thắn ngay với chính bản thân mình thì sẽ khó được người khác tôn trọng. Một đứa trẻ nhất định phải được giáo dục nghiêm khắc về tính trung thực, thành thật thì mới có thể nên người.