Gia cảnh khốn khó

Giữa cái nắng gay gắt 40 độ C ở Thanh Hóa, chúng tôi đã vượt hơn 100km tìm đến làng Én (nay là thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) tìm về gia đình của VĐV Cao Thị Duyên VĐV vừa giành 3 HCV, 2 HCB, phá 2 kỷ lục SEA Games 32 cho đoàn thể thao Việt Nam.

Căn nhà chừng 30m2 được xây bằng đá vụn nơi sinh sống của 5 người trong gia đình VĐV Cao Thị Duyên ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Trong căn nhà rộng 30m2 đó không có một vật dụng gì giá trị, nhưng đối với gia đình VĐV Cao Thị Duyên thì những giấy khen, bằng khen và hàng trăm huy chương vàng, bạc, đồng treo trên tường đá đó lại là những thứ quý giá đối với cả gia đình Duyên.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Cao Văn Kỷ (SN 1978) - bố của VĐV Cao Thị Duyên ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa nói: "10 tuổi, con gái đã rời xa gia đình xuống Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa, cách nhà hơn 100km luyện bơi. Những ngày đầu con gái xa nhà, nhiều đêm bố mẹ chỉ biết khóc vì thương".

Những tấm bằng khen, giấy khen và hàng trăm huy chương là tài sản quý giá nhất trong căn nhà của VĐV Cao Thị Duyên.

"Lúc đó, thương con lắm vì mới học lớp 4 đã phải xa nhà, một thân một mình ở thành phố vừa học vừa luyện tập, nhưng vì cuộc sống quá vất vả, cháu lại có năng khiếu nên chỉ có cách đó mới hy vọng thay đổi được số phận", ông Kỷ không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày để con gái út rời xa gia đình đi tìm kiếm tương lai.

Bà Cao Thi Quang (SN 1980) - mẹ VĐV Cao Thị Duyên nhớ lại: "Lúc đó, các thầy bảo Duyên có năng khiếu bơi lội những khi ấy con còn quá nhỏ cho cháu đi xa cũng tội lắm. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, vợ chồng tôi quyết định cho Duyên xuống thành phố vì không muốn Duyên cột tương lai vào 2 sào ruộng như mình".

Căn nhà không có một đồ dùng nào có giá trị của VĐV Cao Thị Duyên.

"18 tuổi tôi lấy chồng, sinh con, sống quá nửa đời người vẫn chưa có nổi một ngôi nhà tử tế để che mưa, che nắng. Ngôi nhà chừng 30m2, nằm dưới chân một quả đồi trọc không có phòng riêng cho con gái. Mỗi lần Duyên về thăm nhà phải xuống ngủ với bà nội, hiện đang sống cùng chú ruột. Cách đây chục năm, chồng tôi và anh em họ hàng nhặt đá vụn, loại đá vốn chỉ dùng để xếp làm hàng rào, kiếm ít vôi vữa ghép thành nơi ở. Huy chương, bằng khen của Duyên vì thế cũng không có không gian để trưng bày. Theo thời gian, vách tường đã tróc lở, ông Kỷ phải căng thêm bạt để tránh nóng" - bà Cao Thị Quang tâm sự thêm.

Mẹ của VĐV Cao Thị Duyên, bà Cao Thị Quang phải đan cót để kiếm thêm thu nhập.

12 năm kể từ ngày Duyên xa nhà, ông Kỷ vẫn miệt mài đội nắng cheo leo trên những mỏm đá đi làm thuê ở Yên Định cách nhà hơn 30 km, còn bà Kỷ ở nhà làm ruộng, lúc nông nhàn lại đan cót kiếm thêm thu nhập.

Không được xem con thi đấu

Tại SEA Games 32, VĐV Cao Thị Duyên vừa giành 3 HCV, 2 HCB, phá 2 kỷ lục SEA Games, nhưng về sau gia đình mới biết. Khi biết tin, ông Cao Văn Kỷ, bố của Duyên không tin nổi con gái mình giành tới 5 chiếc huy chương tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Chiếc tivi đã cũ trong căn nhà VĐV Cao Thị Duyên.

Ông Kỷ cho biết, đúng dịp con gái tranh tài tại Campuchia, gia đình có ông bác ruột mất. Người Mường quan niệm khi họ hàng có người mất không mở tivi nên gia đình không được xem các chương trình về SEA Games, không cập nhật thường xuyên thành tích của Duyên.

Chỉ vào chiếc tivi cũ đã bị hỏng, ông Kỷ nói, cả 2 vợ chồng đều không xem ti vi, không có điện thoại thông minh, đều dùng máy "cục gạch" nên cũng không biết đến các thông tin trên mạng.

"Thi thoảng nghe hàng xóm nói, tôi mới biết cháu giành HCV. Chúng tôi cũng không gọi điện để cháu tập trung thi đấu. Mãi đến khi Duyên thi xong các nội dung, HLV Phạm Tuấn Anh và sau đó là Duyên gọi điện thông báo, cả nhà mới biết cháu đã giành 3 HCV, 2 HCB. Cả nhà vui và tự hào lắm. Hôm trước, Duyên gọi điện nói sắp về, anh em, họ hàng đang háo hức đón cháu. Chuyến này, nhất định phải mổ lợn đãi khách. Cháu nó đi biền biệt quanh năm, nhớ nó lắm", ông Kỷ hồ hởi chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Mạc luôn tự hào về cháu mình là VĐV Cao Thị Duyên.

Bà Đỗ Thị Mạc (72 tuổi) bà nội của Cao Thị Duyên kể, chưa bao giờ vui và hạnh phúc như bây giờ. Chồng mất từ năm 37 tuổi, lúc bố của Duyên mới 14 tuổi, bà ở vậy nuôi 4 người con, Duyên là đứa cháu gắn bó với bà nhất. Bà Mạc không biết nhiều về thể thao, về SEA Games, về kỷ lục này nọ, chỉ biết, mỗi lần cháu gái đạt thành tích trở về, bao giờ cũng tặng huy chương cho bà và cháu Duyên cũng được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, được các cấp các ngành quan tâm. Bà chỉ mong sao cháu được tạo điều kiện tốt hơn nữa để cống hiến cho thể thao nước nhà.

Từ hành trình gian nan đến kỷ lục của thể thao Thanh Hóa

Năm 2011, Cao Thị Duyên được các nhà tuyển trạch thể thao Thanh Hóa phát hiện, đào tạo để trở thành VĐV bơi lội chuyên nghiệp. Cũng lứa với Duyên tại xã Cẩm Quý có 5 bạn nhưng giờ còn mỗi mình Duyên trụ lại với nghề. HLV Phạm Tuấn Anh, người trực tiếp huấn luyện Cao Thị Duyên từ năm 2015 cho biết, ban đầu cô gái quê Cẩm Thủy được lựa chọn, đào tạo môn bơi. Trong quá trình tập luyện, Duyên phát hiện bị viêm gan B, khó có khả năng phát triển. Thông thường, những VĐV như thế sẽ được khuyên trở về gia đình, tiếp tục theo học văn hóa, lựa chọn con đường khác.

Bố mẹ VĐV Cao Thị Duyên luôn tự hào về con gái út của gia đình.

Tuy nhiên, HLV Phạm Tuấn Anh đã tin tưởng, chuyển Cao Thị Duyên sang môn lặn. Theo vị HLV vừa cùng Duyên giành 3 HCV, 3 HCB SEA Games thì bơi và lặn có nhiều điểm chung nên việc chuyển môn không gặp nhiều khó khăn.

Việc quyết định đổi từ bơi sang lặn của Duyên là một quyết định đúng của những người làm thể thao Thanh Hóa. Ngay trong năm đầu tiên chuyển sang thi đấu môn lặn, Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV, phá 2 kỷ lục quốc gia tại giải vô địch các nhóm tuổi. Một năm sau đó (2016), Duyên đoạt HCV giải vô địch trẻ quốc gia. Năm 2017, ở tuổi 16, Duyên đoạt 3 HCV, phá 1 kỷ lục tại giải VĐQG; đồng thời giành 2 HCV giải vô địch trẻ Châu Á.

Góc ngoài của căn nhà của VĐV Cao Thị Duyên ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Bảng thành tích của Cao Thị Duyên ngày một dày thêm khi tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, Duyên giành 1 HCV, 2 HCB, phá 1 kỷ lục đại hội. Các năm 2020 và 2021, Cao Thị Duyên giữ vừng thành tích đoạt 2 HCV giải VĐQG. Năm 2022, được xem là năm bội thu huy chương khi cô gái quê Cẩm Thủy giành 2 HCV SEA Games 31, 3 HCV, 3 HCB tại Đại hội TDTT toàn quốc, phá 2 kỷ lục đại hội.

HLV Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2023, Cao Thị Duyên sẽ tiếp tục tham dự 2 giải đấu quan trọng là giải VĐQG vào tháng 10 và giải vô địch châu Á vào tháng 11.

Nơi tập luyện lúc nhỏ của VĐV Cao Thị Duyên ở thôn Quý Tân, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

"Ngay sau SEA Games 32, thầy trò chúng tôi tiếp tục luyện tập để chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng khác. Mục tiêu SEA Games 32 đã hoàn thành. Tuy nhiên, thể thao chuyên nghiệp rất khắc nghiệt, chúng tôi luôn nhắc nhở Duyên là phải tiếp tục nỗ lực để chinh phục những đỉnh cao mới. Tiếc là môn lặn mới chỉ tổ chức ở SEA Games và cao nhất là giải vô địch Châu Á, chưa được đưa vào thi đấu tại Asiad hay Olympic. Hy vọng một ngày bộ môn này sẽ được quan tâm hơn để những VĐV như Duyên có cơ hội thi đấu ở những đấu trường cao hơn", HLV Phạm Tuấn Anh nói.

Cũng theo HLV Phạm Tuấn Anh, Cao Thị Duyên có ý thức tự lập từ khá sớm do đặc thù của VĐV chuyên nghiệp sống xa gia đình. Ngoài việc tập luyện, thi đấu, Duyên hiện đang là sinh viên ngành quản lý thể thao của Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Cô gái vàng của thể thao xứ Thanh đã chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho tương lai.

VĐV Cao Thị Duyên và HLV Phạm Tuấn Anh tại SEA Games 32.

Tại SEA Games 32, Cao Thị Duyên 22 tuổi, giành 3 HCV bộ môn lặn ở các nội dung: 4x200m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 4x100m vòi hơi chân vịt tiếp sức nữ, 100m chân vịt đôi nữ; giành 2 HCB ở các nội dung: 50m cá nhân vòi hơi chân vịt nữ và 4x50m tiếp sức hỗn hợp. Đây là thành tích cao nhất, một kỷ lục của thể thao Thanh Hóa mà 1 VĐV giành được tại 1 kỳ SEA Games.

Ông Cao Văn Lưỡng, chú ruột Duyên nói nếu không có cái hồ bơi ở giữa làng Én, chắc giờ này không có nhà vô địch SEA Games môn lặn Cao Thị Duyên. Noi gương chị họ, con gái anh Lưỡng, 13 tuổi cũng đã gia nhập bộ môn bơi tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Thanh Hóa được 3 năm. Người đàn ông 43 tuổi, làm nghề phụ hồ nói với ánh mắt đầy hy vọng rằng, một ngày nào đó, 2 chị em sẽ được cùng nhau đứng trên bục nhận huy chương SEA Games.