"Điều này đòi hỏi việc theo dõi, chăm sóc bệnh nhân không triệu chứng hết sức quan trọng, đặc biệt ở các cơ sở thuộc tầng 1, tầng 2 trong mô hình tháp 5 tầng", ông Sơn chia sẻ với báo chí, chiều 26/7.

Thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ thông tin một vài F0 trở nặng quá nhanh, không kịp đưa đi bệnh viện, tử vong tại nhà. Ông Sơn cho biết "thật sự rất đau lòng". Điều này đòi hỏi ngành y tế phải tăng cường truyền thông, giúp người bệnh phát hiện sớm các triệu chứng khó chịu. Khi ấy, quan trọng nhất là khả năng đáp ứng của ngành y tế, phải có người tư vấn, thăm khám, phải chuyển ngay đến cơ sở y tế.

"Thời gian tới, hệ thống này sẽ hoạt động đồng bộ hơn, hy vọng người dân được chăm sóc tốt hơn, tránh những trường hợp chuyển nặng đáng tiếc", ông Sơn nói. "TP HCM vừa yêu cầu một số hãng taxi vào cuộc, sử dụng như lực lượng vận chuyển thêm, đến những nơi phong tỏa, những nơi có F0 tại nhà".

Theo ông Sơn, thuận lợi hiện nay là tất cả F1 cách ly tại nhà, các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện có thể tăng công suất tiếp nhận F0. Theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế, F0 cũng được rút ngắn thời gian điều trị, cho ra viện sớm.

Hiện, phác đồ điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, có nhiều sự thay đổi, từ thực tiễn điều trị tại Việt Nam thời gian qua, cũng như cập nhật y văn, nghiên cứu, khuyến cáo của các tài liệu khoa học cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ông Sơn phân tích, về cơ chế bệnh sinh, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều sự thay đổi. Từ đó, Việt Nam có những can thiệp sớm hơn. Chẳng hạn, phương tiện thở oxy được trang bị cho tất cả cơ sở thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Hệ thống oxy dòng cao, máy thở hiện đại cũng được sử dụng sớm để tránh người bệnh diễn tiến suy hô hấp nặng.

"Một số loại thuốc trước kia sử dụng ở giai đoạn muộn hơn, giờ khuyến cáo sử dụng sớm, như thuốc kháng đông, corticoid", ông Sơn nói. Bên cạnh đó, những loại thuốc khác như kháng sinh, kháng nấm, hệ thống lọc máu liên tục, các hệ thống hỗ trợ, hồi sức cũng được đưa vào sử dụng sớm cho người bệnh.

Ông Sơn nhận định, dịch ở TP HCM đang diễn biến phức tạp. Với những biện pháp giãn cách đang áp dụng, thành phố sẽ dập được dịch. Tuy nhiên, thời gian giãn cách kéo dài thế nào còn phụ thuộc sự chấp hành của người dân, kiểm soát của chính quyền, tham gia của hệ thống y tế.

"Nếu đáp ứng tốt, hy vọng hai tuần tới, cơ bản có thể kiểm soát được dịch", ông Sơn kỳ vọng.

Bộ Y tế đang tiếp tục điều động nhân lực từ các địa phương chưa có dịch nặng trên toàn quốc, các bệnh viện tuyến trung ương, chi viện TP HCM.

Tối 24/7, Thứ trưởng Sơn, với tư cách là Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP HCM, gửi thư kêu gọi tất cả lực lượng ngành y tham gia chống dịch. Đến ngày 26/7, hơn 2.000 người tình nguyện đăng ký tham gia.

"Hy vọng thời gian tới số lượng đăng ký sẽ tăng hơn nữa", ông Sơn nói và cho biết sẽ hợp tác Sở Y tế TP HCM để xây dựng các chương trình, sử dụng nguồn lực này một cách có hiệu quả cao nhất, với mục tiêu cao nhất là chữa khỏi, đem lại sự an toàn cho người bệnh.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn (bên phải) trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Thành Linh, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chiều 26/7. Ảnh: Lê Phương.

Theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, số bệnh nhân không triệu chứng và nhẹ chiếm khoảng 80% tổng số mắc Covid-19. Với mô hình tháp 5 tầng vừa triển khai, số F0 không triệu chứng điều trị tại các khu cách ly quận, huyện và TP Thủ Đức, thuộc tầng một, dự kiến tiếp nhận 50% F0. Tầng hai (27% F0) điều trị bệnh nhận có triệu chứng và bệnh lý nền kèm theo, tại các bệnh viện dã chiến. Tầng ba (10% F0), điều trị các ca có triệu chứng. Tầng 4 (8% F0) gồm các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5 là bệnh viện hồi sức Covid-19 (5% F0).