Sáng nay, 1/11, hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Thanh Hóa, Thanh Hóa) Bùi Nguyên Tiến cho biết đã thi hành kỷ luật đối với 7 học sinh lớp 10 vì xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường. Tuy nhiên chiều cùng ngày, vị hiệu trưởng này tiếp tục xác nhận đã thu hồi quyết định này theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh.

Theo thầy Tiến, đầu tháng trước, một nữ sinh lớp 10A5 bị cô Đậu Thị Bích thu hồi điện thoại do sử dụng trong giờ học. Qua đó, cô Bích vô tình xem được các tin nhắn xuất hiện trên màn hình chiếc điện thoại này với nhiều lời lẽ xúc phạm đến giáo viên và nhà trường.

Trường THPT Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa

Nhà trường sau đó mời phụ huynh của những học sinh này lên trao đổi và yêu cầu các em viết bản tường trình. Đến ngày 13/10, nhóm học sinh bị kỷ luật trước lớp có sự tham gia của lãnh đạo nhà trường, hội phụ huynh.

“Bị kỷ luật trước lớp nhưng những em này vẫn không tỏ ra hối hận về việc làm của mình mà còn tiếp tục bày trò phá phách”, thầy Tiến nói. Theo hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, việc đuổi học các em 1 năm là nặng nhưng cần thiết và đúng bởi “việc làm của các em đã gây hậu quả nghiêm trọng khi làm ảnh hưởng đến nhà trường, gây tâm lý cho giáo viên và học sinh”.

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết việc các em nhắn tin qua lại với nhau thuộc về lĩnh vực đời tư, bí mật thư tín, điện tín, điện thoại. Trong trường hợp cô giáo không phải vô tình nhìn thấy mà tự ý kiểm tra điện thoại của các em là xâm phạm quyền bí mật đời tư, điện tín điện thoại của học sinh.

Bên cạnh đó, theo luật sư Tuyền cần phải xem xét cụ thể nội dung các tin nhắn các em nói chuyện với nhau là gì? Các nội dung này có xúc phạm thầy cô giáo hay không hay chỉ là những tin nhắn nói chuyện trong một nhóm kín để chứng minh có hành vi vi phạm hay không.

“Theo nội quy kỷ luật mà nhà trường ban hành thì việc các em nói chuyện trên mạng xã hội có vi phạm các điều khoản trong nội quy đó hay không và mức kỷ luật như thế nào?”, luật sư Tuyền ý kiến.

Tiếp đó cần phải xem xét vì sao lại xử phạt các em nhiều lần về cùng một hành vi. “Các em vừa bị kỷ luật ngay trước lớp, vậy các em có tái phạm hay không mà lại tiếp tục áp dụng kỷ luật quá cao là đuổi học một năm?”, luật sư Tuyền đặt vấn đề.

Ngoài ra, luật sư cho rằng nếu căn cứ theo Thông tư 88 ngày 21/3/1988 của Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn đang có hiệu lực thì mức kỷ luật đuổi học là không phù hợp. “Việc kỷ luật đuổi học không thể hiện được tính giáo dục cao, mang tính chất cá nhân nhiều, có thể đẩy các em vào hoàn cảnh bỏ học sau đó”, luật sư Tuyền đánh giá.

Điều 88 Luật Giáo dục năm 2005: Các hành vi người học không được làm 

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên của cơ sở giáo dục và người học khác;

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh;

3. Hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học; gây rối an ninh, trật tự trong cơ sở giáo dục và nơi công cộng.