Công dụng trị biếng ăn của một số loại thảo dược

Nhiều bậc cha mẹ thường sử dụng các loại cây thảo dược, cây thuốc nam khi trẻ biếng ăn, ít ngủ. Không chỉ ở nước ta, các ông bố bà mẹ trên thế giới cũng áp dụng giải pháp này để giúp bé ăn ngon. 

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh, khoa Dinh dưỡng Nhi Bệnh viện Hoàng gia Wocestrer (Vương quốc Anh) chia sẻ các đặc tính dược lý trong thành phần hoặc đặc tính dinh dưỡng nổi trội của 1 loại cây cỏ (thực vật) nào đó sẽ được mọi người sử dụng nhằm giúp hỗ trợ dinh dưỡng và sức khỏe.

Các nước phương Tây và Châu Mỹ, cũng có một ngành khoa học tương tự và mới phát triển trong 2 thập niên gần đây gọi là trị liệu thảo dược (Phytotherapy) và đặc biệt phát triển khá mạnh ở các nước Đức, Ý, vùng Địa Trung Hải và Châu Mỹ (Mỹ và Brazil).

Những nghiên cứu hỗ trợ biếng ăn từ Phytotherapy chủ yếu tập trung 2 vấn đề bổ trợ cho nhau trong quản lý chứng biếng ăn: Vấn đề liên quan đến giảm vị giác và vấn đề cung cấp dinh dưỡng hỗ trợ. 

Đối với vấn đề liên quan đến hiện tượng giảm vị giác, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết: "Thông qua nghiên cứu, những thảo dược với thành phần đắng đặc trưng có tác dụng kích thích thần kinh vị giác (gustatory nerves ) và hỗ trợ tăng tiết enzyme tiêu hóa.

Một số loại thảo dược tự nhiên có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, kích thích ăn ngon - Ảnh minh họa: Internet

Ví dụ:  Rễ cây long đởm vàng có tác dụng phát triển thần kinh vị giác cho trẻ. Nước ép lá cỏ mực kích thức bé thèm ăn. Vỏ trái cam ngọt hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ....".

Trong khi đó, về mặt cung cấp dinh dưỡng hỗ trợ, một số loại thảo dược với thành phần dinh dưỡng nổi trội có tác dụng cung cấp thêm năng lượng hoặc một số nguyên tố dinh dưỡng quan trọng.

Ví dụ: Mầm lúa mì giàu protein dạng dự trữ cung cấp sắt và axit amin; phấn hoa cung cấp những axit amin thiết yếu như methionine, lysine, threonine và tryptophan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, một quan tâm trong ngành Phytotherapy ngày nay là làm sao đảm bảo cây cỏ khi sử dụng không chứa các thành phần khác gây tác dụng phụ không mong muốn.

Hơn nữa, một vấn đề nảy sinh khác liên quan đến các thảo dược là có nguy cơ tồn dư kim loại nặng hoặc tích lũy độc tố nấm mốc Aflatoxin nếu không có phương pháp đảm bảo tính chuẩn hóa đúng tiêu chuẩn.

Chú ý gì khi sử dụng thảo dược trị biếng ăn cho trẻ?

"Nhiều cha mẹ suy nghĩ: Cái gì tự nhiên cũng tốt, cứ ra ngoài hái rễ cây này lá cây kia về tự chế biến và áp dụng lên trẻ. Suy nghĩ này chưa đúng vì việc sử dụng này có thể tiềm ẩn một hợp chất nào đó có tác dụng phụ ngoài ý muốn, có thể hợp chất này không gây ảnh hưởng lên sức khỏe bé này, nhưng không đảm bảo không gây trên bé khác", bác sĩ Hoàng Anh thông tin.

Việc chuẩn hóa dược tính và loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn là cần được quản lý bởi một tổ chức. Ví dụ: Tiêu chuẩn cGMP – FDA của Hoa Kỳ.

Theo đó, bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh khuyên các bậc cha mẹ nếu có ý định sử dụng cây cỏ thảo dược trị biếng ăn cho trẻ, cần chú ý:

Không nên tự ý nghe nói lá cây này, rễ cây kia có dược lý chữa bệnh này, bệnh kia mà hái về, tự chế biến và áp dụng cho trẻ. Trừ lời khuyên đó đến từ chuyên gia về các loại thảo dược. 

Nếu chọn thuốc thảo dược, cha mẹ cần quan tâm đến thành phần sử dụng, nguồn gốc xuất xứ các loại cây này. Và tổ chức đứng ra chuẩn hóa dược tính và cấp giấy phép sử dụng.

Nên sử loại thảo dược chuyên dành cho trẻ để kích thích cơn thèm ăn - Ảnh minh họa: Internet

Hơn nữa, cần xem xét liệu nhà sản xuất có chuyên nghiên cứu về thảo dược không. Tất cả những điều này phụ huynh nên lên internet kiểm tra thông tin cả tiếng Việt và tiếng Anh để đem lên bàn cân để cân nhắc.

Một cách khác, cha mẹ yêu cầu nhà sản xuất cung cấp thông tin khoa học của họ. Ở Châu Âu, như Anh, Ý, Đức… việc cha mẹ đòi hỏi đọc thông tin khoa học liên quan là rất phổ biến để bảo vệ trẻ em.

Cuối cùng, bác sĩ Hoàng Anh cho biết khi lựa chọn thảo dược, cần quan tâm đến liệu thảo dược đó có được dùng cho trẻ hay không.

Vì không phải loại thảo dược nào cũng có thể dùng cho trẻ, trừ khi nó được chứng minh là chuyên biệt hoặc dùng được cho trẻ. Tuyệt đối, không dùng thuốc thảo dược của người lớn áp dụng lên trẻ em.