Có những lúc nghĩ nhiều thì càng nghĩ càng không được, đôi khi không cầu mà lại có. Và những điều tốt đẹp đến trong đời đều là đến vào những lúc ta không ngờ nhất, vậy nên mới nói làm người cốt ở chỗ tuỳ kỳ tự nhiên.

Làm người thì dù trước dù sau, gặp kẻ bần hàn hay người cao sang, tất cả đều dùng nhân tín lễ nghĩa mà đối đãi. Người làm được như vậy thì trời đất bao la nơi đâu cũng là nhà.

Làm người lúc nên nói thì nói, lúc cần làm thì làm, nói đúng lúc, làm đúng nơi, vậy mới tránh khỏi bị người khác xem thường. Trong công việc thì không nên đối xử với ai đó đặc biệt, tất cả phải công bằng, bình đẳng.

 
Đời người phải biết:

1. Nhìn xa

Nhìn xa chính là đặt cho mình một mục tiêu hướng đến, một khát vọng, lý tưởng sống. Người đặt mình ở vị trí càng cao thì nhìn càng xa, tâm càng rộng, nhìn vấn đề lại càng được bao quát.

2. Trông rộng

Trông rộng đối với người cao quý là phẩm cách, đối với người bình thường lại là cốt khí. Vậy nên làm người không những cần nhìn xa mà còn phải biết trông rộng, đối với mọi việc cần phải có cái nhìn thoáng đãng, tâm thái rộng mở, xét sự việc phải xét từ mọi khía cạnh. Có như vậy làm người mới được an vui tự tại.

3. Xem nhẹ

Xem nhẹ, hay còn gọi là sống thanh bạch, không có nghĩa là làm người không có khát vọng. Thứ đã là của mình thì đương nhiên phải trân trọng giữ gìn, còn điều không phải vạn phần không nên động.

Nhân sinh tại thế, giàu nghèo vinh nhục ấy đều do tu tâm dưỡng tính mà ra. Thế nên đối với tiền tài danh vọng chẳng thể cưỡng cầu, phúc mỏng mà lộc nhiều ắt tổn thọ, công thấp mà danh cao ắt cũng hoạ cận kề.

Vạn sự nên tùy duyên, làm người đối nhân xử thế thì nên dùng nhân tín lễ nghĩa mà đo lường.

Muốn thành đại sự cần phải dựa vào:

1. Cao nhân khai thị

Người thành công là người lấy sự giác ngộ làm kim chỉ nam dẫn đường. Để giải quyết những vấn đề liên quan đến trí huệ, phương hướng của con người thì cần sự khai thị của bậc cao nhân. Trong quá trình trưởng thành và phát triển, có được sự khai thị của bậc cao nhân đó cũng chính là nền tảng vốn liếng vô giá mà con người có được.

2. Quý nhân giúp đỡ

Trong quá trình trưởng thành và phát triển, con người luôn phải đối diện với muôn vàn khó khăn trắc trở. Những lúc như vậy, sự tương trợ chân thành của người khác sẽ giúp ta dễ dàng vượt qua khó khăn. Đương nhiên sự giúp đỡ ấy có lúc chỉ là lời khai thị, gợi ý cho chúng ta chứ không nhất định phải là tương trợ về vật chất.

3. Chỗ dựa tinh thần

Con người sống thì cần phải có niềm tin và động lực, một người nếu mất đi động lực sống và làm việc thì cũng là mất đi tất cả. Có câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng hình một người phụ nữ”. Tương tự như vậy, mỗi chúng ta đều cần một bến cảng tinh thần cho riêng mình. Đó là nơi chúng ta có thể gửi gắm hy vọng, chia sẻ ngọt bùi, và cũng là nơi tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho ta những khi chân mềm vai mỏi.

4. Sự khích lệ của đối thủ

Làm người thì phải không ngừng khai phá, không ngừng phát triển tìm về chân lý. Và đương nhiên, để làm được điều đó ta cũng cần một đối đủ ngang tầm. Thông qua đối thủ, chúng ta tìm được sự khích lệ tự khởi trong lòng.

5. Sự giám sát của tiểu nhân

Nếu chúng ta làm một việc nhỏ thì đương nhiên không cần tiểu nhân góp mặt. Tuy nhiên để làm đại sự, chúng ta lại luôn có kẻ tiểu nhân gần kề, bởi sự có mặt của họ giúp chúng ta không ngừng cảnh giác, nhắc nhở chính mình. Khi không có tiểu nhân, chúng ta dễ sinh tâm tự mãn, kiêu ngạo và cuối cùng dẫn đến tự bại. Thế nên, tiểu nhân cũng là yếu tố không thể thiếu của người làm việc lớn.

Mọi thứ đã được an bài tốt nhất rồi

Có bao giờ bạn nhìn lại và thầm cám ơn “điều bất hạnh nào đó” đã đến, để bạn có được những thứ như ngày hôm nay…?

Nếu ngày xưa người bạn thương yêu nhất không rời bỏ mình chạy theo một hình bóng khác, liệu bạn có tìm được một nửa phù hợp và tốt hơn một nửa đã từng…

Nếu ngày xưa không gặp đủ chuyện ở công ty cũ để phải bỏ việc, liệu bạn có tìm được một môi trường làm việc tốt hơn như công ty mới…

Nếu ngày xưa không thất bại và thua lỗ, liệu bạn có học được những kinh nghiệm, tìm được những cộng sự cùng ” chia ngọt sẻ bùi” để xây dựng một cơ ngơi cho mình như hiện nay…

Và còn rất nhiều cái “Nếu như” khác đã giúp bạn có được ngày hôm nay.

Mọi thứ đều đã được an bài . Vì vậy, đừng qua chăm chú vào một giai đoạn bất hạnh của cuộc đời. Mọi thứ xảy đến đều có lý do của nó. Ông trời vốn không tuyệt đường ai cả. Kết thúc cái này là sự khởi đầu cho cái khác, và thực tế đã chứng minh rằng cái mới bao giờ cũng tốt đẹp và tươi sáng hơn cái cũ.

Mọi thứ đều đã được an bài. Chuyện gì xảy ra nó sẽ phải xảy ra. Khi bất hạnh tới, đừng hối hận cũng đừng nuối tiếc. Đừng chán nản cũng đừng tuyệt vọng vì hoàn cảnh bất như ý . Đừng bao giờ nói những điều vô nghĩa như: “Nếu như lúc trước tôi làm thế này. Giá như ngày xưa tôi làm thế khác…”. Phật giáo có câu: “Nếu phước dày thì chẳng sợ mất, nếu duyên mỏng thì dù có cố cầu cũng chẳng được ” . Thế nên đừng dùng thời gian quý báu của mình để lo sợ hay u sầu hối tiếc, hãy dùng nó để hi vọng, để cố gắng , để sống cho thật tốt, lạc quan nhìn về tương lai phía trước.