Sứ mệnh của bản thân

Dạo này có rất nhiều người hỏi tôi, mục đích cuộc sống của tôi là gì? Và họ không biết họ được sinh ra ở trên đời này để làm gì nữa. Có lẽ những giá trị của xã hội đang bị biến đổi đến cuồng loạn, và những người bạn của tôi biết rằng họ cần tiền, nhưng họ không muốn suốt đời chạy theo tiền, họ cần công việc, nhưng không có công việc nào làm họ thỏa mãn cả, và họ cần tình yêu, nhưng không có ai đáng để họ yêu! Họ bỗng loay hoay, hoang mang giữa những giá trị mình đang tạo dựng, cũng như những gì họ đang có trong tay, đều trở nên không có gì. 

Tôi không biết nói gì cả, vì cuộc đời là của riêng mỗi người, lại gặp những câu chuyện khác nhau, và có những giá trị sống khác nhau, nên tôi chỉ biết trình bày ở đây những gì tôi nghĩ rằng, dù là câu chuyện nào, thì những điều này đều không đổi.


Tôi đã từng đọc qua vức thư của cây saxophone tài ba Wayne Shorter và nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Herbie Hancock gửi đến các thế hệ nghệ sĩ trẻ, chia sẻ sứ mệnh mà người nghệ sĩ phải gánh vác trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều chuyện không hay.

Kết giao bạn bè hơn 40 năm, Wayne Shorter và Herbie Hancock sở hữu tổng cộng 25 giải Grammy danh giá. Hai người nghệ sĩ tuổi ngoại thất tuần viết:

“Từ vụ thảm sát kinh dị ở nhà hát Bataclan, đến những biến động ở Syria và sự đổ máu vô nghĩa ở San Bernardino, chúng ta sống trong thời kỳ của sự bối rối và đau đớn khôn cùng”.

“Trong khi sự thật là những rắc rối trên thế giới này là rất phức tạp, câu trả lời cho hòa bình lại rất đơn giản, đó chính là từ bản thân các bạn” - hai nghệ sĩ trải lòng trong bức thư đăng tải trên Nest HQ.

“Bạn không cần phải sống trong một đất nước ở thế giới thứ ba hay làm việc cho một tổ chức phi chính phủ nào đó để thay đổi thế giới. Mỗi chúng ta có sứ mệnh của riêng mình.

Chúng ta là các mảnh của một bức tranh ghép khổng lồ, dù chỉ một mảnh nào chịu tác động dù là nhỏ nhất, cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các mảnh còn lại.

Chúng tôi muốn nói rõ rằng dù bức thư này được viết với góc nhìn của một nghệ sĩ, những suy nghĩ này vượt qua giới hạn về mặt nghề nghiệp, và áp dụng đối với tất cả mọi người, bất kể là làm nghề nghiệp gì”

Thật vậy, đứng từ một góc độ khác mà nhìn, sẽ thấy mỗi người đến thế gian đều mang trong mình một sứ mệnh nào đó. Mỗi một người đến trong đời này có những sứ mệnh riêng. Có khi đó không phải là sứ mệnh gì lớn lao (như giải phóng dân tộc, làm người nổi tiếng, hay phát minh ra thứ gì đó ghê gớm!), mà chỉ là việc phải hoàn thành những bài học còn dang dở từ những cuộc đời trước nữa.

Tôi vẫn luôn tin rằng phải có đủ duyên thì ta mới có được thân xác này, có đủ duyên mới sinh ra là con của cha mẹ mình, có đủ duyên để làm người của dân tộc này chứ không phải dân tộc khác, mỗi người sống trên đời là có nhiệm vụ, ít nhất là nhiệm vụ hoàn thành bài học cho bản thân mình. Đến cuối đời, người ta sẽ ngộ ra nhiệm vụ của mình là gì, và bằng một cách nào đó, cuộc đời đẩy ta đến những chiến trường khốc liệt, cùng những bài học đau lòng, và cách họ hoàn thành nó. Dù gì thì người ta cũng phải học. 

Thiên địa mênh mông, cuộc sống đã từng có biết bao điều nuối tiếc

Nếu như có ai đó hỏi rằng, điều gì là quan trọng nhất cuộc sống này? Bạn và tôi, chúng ta mỗi người đều có câu trả lời khác nhau. Người cơ hàn coi trọng ăn no mặc ấm, người trẻ tuổi cầu công danh sự nghiệp, người trung niên mong có người chăm sóc lúc xế chiều.

Cảnh giới khác nhau có nhận thức khác nhau, trên đời này có vô số điều vẫn đợi chúng ta thể ngộ. Đôi khi, con người ta chỉ đến khi mất đi những gì mình đang có, thì mới cảm nhận được sự trân quý vĩnh hằng của nó. Ví như đối với người khiếm thị, thì điều quan trọng nhất chính là ánh sáng. Đối với người khiếm thính, thì âm thanh lại là điều họ ngày đêm mong tưởng. Nhưng với một người khỏe mạnh bình thường, những điều đó lại quá đỗi tầm thường, thậm chí là không hề trân quý. Chỉ đến khi mất đi tất cả, họ mới hiểu ra rằng tiền bạc, danh vọng, hết thảy chỉ là vật ngoài thân.

Thiên địa mênh mông, cuộc sống đã từng có biết bao điều nuối tiếc, cũng có biết bao người oán trời trách đất rằng ông Trời sao quá bất công. Cuộc sống mười phần thì có đến bảy, tám phần không như ý. Tuy nhiên đến một lúc nào đó, đến một giai đoạn nào đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Vốn dĩ không cần phải oán trời, trách đất, chúng ta vẫn có thể sống yên vui, thậm chí là sống yên vui hơn nhiều so với việc sống trong oán hận.

Nguyên nhân bởi tự bản thân chúng ta cũng có thể khởi phát lên rất nhiều điều tốt đẹp. Nếu như cuộc sống có thể làm lại, có thể quay về, lúc đó chúng ta sẽ phát hiện rằng có rất nhiều việc chúng ta sẽ dùng tâm thái khác để đối đãi.

Có thể nói, nếu như có nhiều việc được phép làm lại, chúng ta sẽ giảm bớt đi rất nhiều điều đáng tiếc. Nếu như cuộc đời có thể làm lại, chúng ta sẽ phát hiện rằng, giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình.

Hãy sống thật an nhiên

Cuộc sống bộn bề, mỗi người đều dần dần bận rộn với những thứ như cơm áo gạo tiền, cuốn chúng ta vào chốn hồng trần với danh lợi tình đeo bám. Chúng ta không thể dừng lại bởi những suy nghĩ được mất, buồn vui dẫn dắt. Dần dần tâm hồn chúng ta, không biết tự khi nào đã trở nên trống trải, một đời bận rộn cuối cùng là vì đâu?

Mục đích chân chính của kiếp người là gì? Người người đều mỏi mòn tìm kiếm cho mình câu trả lời, và mỗi người cũng có những cách nghĩ khác nhau.

Sống ở trên đời, vạn vật đều không thể thiếu được ánh nắng mặt trời, cũng như chẳng thể thiếu đi không khí và nước. Chúng ta cũng chẳng thể thiếu đi tiêu chuẩn thiện ác làm người. Con người là anh linh vạn vật, vậy nên cũng cần phải có tiêu chuẩn để làm người, chẳng thể thị phi bất phân.

Có câu: “Trời sinh ta ra ắt có chỗ dùng” cũng chính là ý đó, đôi khi chúng ta thấy cuộc sống tẻ nhạt vô nghĩa, nhưng từ một góc độ khác, chúng ta lại đóng vai trò vô cùng quan trọng với những người xung quanh.

Vậy nên, làm người khi nhìn thấu được quy luật của kiếp nhân sinh, nhìn thấu được và mất, hiểu ra được vấn đề, sống với trái tim chân phương thuần tịnh, vạn sự tùy kỳ tự nhiên, ắt sẽ có một đời an nhiên tự tại.