Tình yêu chân thật sẽ luôn có sự chờ đợi. Tôi thề với chính mình, với gia đình, bạn bè, với bạn đời tương lai và những đứa con tương lai của tôi, tôi sẽ không làm "chuyện ấy" cho đến khi kết hôn", bắt chước "lời thề trinh trắng" của những cô gái phương Tây, tôi cùng nhóm bạn gái khi xưa cùng nhập thề nguyện. Chỉ có điều chúng tôi không đeo nhẫn trinh tiết như họ mà thôi.

Suốt từ những năm học cấp 2, chúng tôi được dạy rằng "yêu" chỉ dành cho những người đã kết hôn. Làm chuyện này trước khi kết hôn là dơ bẩn, là tội lỗi nghiêm trọng, là những đứa con gái hư hỏng. Tôi được giáo dục rằng là một cô gái, tôi có trách nhiệm giữ gìn sự trong trắng cho người chồng tương lai của mình. Có thể chồng tôi chẳng còn "nguyên tem" đâu nhưng nhiệm vụ của tôi là tha thứ cho việc đó đồng thời phải giữ "nguyên tem" trên cơ thể mình, chỉ dành cơ thể và tâm hồn mình cho chồng mà thôi.


Chúng tôi đã cùng nhau thề thốt giữ gìn cơ thể cho đến đêm tân hôn. (Ảnh: Pinterest)

Chúng tôi đã được dạy đi dạy lại rằng trách nhiệm của phụ nữ là đáp ứng nhu cầu của chồng. Tôi được nhắc đi nhắc lại điều đó nhiều đến mức tôi chẳng thể đếm được số lần, rằng nếu tôi giữ gìn tấm thân trong sạch, cuộc hôn nhân của tôi sẽ ngập tràn màu hồng, trong hạnh phúc và nếu không, chúng tôi sẽ tan vỡ, sẽ ly hôn.

Tôi tin 100%, tại sao không? Tôi khi đó còn trẻ, còn non nớt và những người giáo huấn tôi bài học này lại toàn là người tôi tin tưởng. Tin là chuyện đương nhiên.

Hơn 1 thập kỷ, tôi giữ gìn, xem đó như một niềm tự hào. Cả hội chúng tôi đều thế, chúng tôi thậm chí còn cho rằng mình sẽ truyền cảm hứng đến những cô gái trẻ khác. Tôi đã rất hạnh phúc khi mọi người biết được tôi vẫn còn trong trắng khi chưa kết hôn.

Khi tôi hẹn hò bạn trai - người là chồng hiện tại - tôi cũng tự hào chia sẻ với anh rằng: "Em giữ cơ thể nguyên vẹn cho đêm tân hôn". Anh ấy hoàn toàn đồng ý vì theo anh đó là cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi. Anh ấy yêu tôi và chấp nhận việc này.

Anh ấy yêu tôi và chấp nhận việc này. (Ảnh: weheartit)

Chúng tôi bên nhau 2 năm rồi mới tiến tới hôn nhân. Trong 2 năm đó, bất cứ khi nào chúng tôi có những hành động thân mật, gần gũi quá mức, tôi đều cảm thấy có lỗi. Hàng ngàn câu hỏi trong tâm trí tôi khi đó. "Có nên cho anh ấy chạm vào cơ thể mình không?", "Có được trút bỏ quần áo trước mặt anh ấy không?"... Giờ nghĩ lại tôi thấy mình "ngáo" thật!

Một sự kết hợp giữa tự hào, sợ hãi, tội lỗi đã giúp tôi giữ nguyên vẹn cho đến khi chúng tôi kết hôn. Trong nhiều tuần liền trước khi cưới, tôi nhận được khá nhiều sự ngưỡng mộ vì có thể giữ gìn quá lâu. Nhiều người thì tò mò muốn biết làm sao tôi có thể và dĩ nhiên có cả những người cười nhạo tôi, cho rằng tôi "dở hơi", "người tối cổ".

Và đêm trọng đại đó cũng đến - điều tôi đã dành cả thanh xuân để chờ đợi: đêm tân hôn. Trong bộ đồ ngủ quyến rũ, mỏng tang, tôi cùng chồng "hành sự". Đau, tôi biết điều đó. Mọi người nói với tôi lần đầu chẳng thoải mái đâu. Nhưng tôi ước rằng có ai đó đã cho tôi biết rằng tôi có thể sẽ lặng lẽ vào phòng tắm và khóc vì những lý do mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Chẳng ai nói với tôi trong chuyến trăng mật, tôi cũng khóc như thế.

Và đêm trọng đại đó cũng đến - điều tôi đã dành cả thanh xuân để chờ đợi: đêm tân hôn. (Ảnh: thoughtcatalog)
 

Tôi đã kì vọng quá mức cho một điều tôi chẳng chuẩn bị kĩ, đặc biệt về tâm lí. Trở thành đàn bà, tôi nghĩ rằng mình chẳng còn đặc biệt, tôi mất đi điều mà tôi tự hào bấy lâu nay. Tôi nhận ra mình ghét, mình sợ "yêu".

Tôi tránh mặt chồng, tránh thay quần áo trước mặt anh. Tôi sợ giờ ngủ. Tôi cố gắng không hôn anh quá nồng nhiệt, không khơi gợi cảm hứng của anh. Nhưng làm sao tôi có thể trốn tránh mãi được. Tôi từng được dạy rằng trách nhiệm của phụ nữ là phải thỏa mãn được ham muốn của chồng mà. Đôi khi tôi khóc thầm cho đến lúc thiếp đi vì tôi muốn mình phải thích chuyện đó, vì tôi nghĩ thật không công bằng. Tôi giữ gìn để có được hạnh phúc khi kết hôn nhưng giờ kết hôn rồi, tôi chẳng thấy hạnh phúc đâu cả.

Suốt vài tháng, tôi ép bản thân mình làm điều không muốn vì chồng. Nhưng rồi đến lúc không thể chịu đựng nữa, tôi nói với anh. Chồng tôi đã rất ngạc nhiên khi biết tôi để anh ấy "hành sự" khi tôi không hề muốn. Anh bắt tôi phải hứa rằng sẽ không bao giờ làm bất kì điều gì mà tôi không muốn. Chúng tôi ngừng chuyện này một thời gian. Anh đưa tôi đến chuyên viên tâm lí để trị liệu và đó là bước khởi đầu hoàn hảo để tôi hoàn toàn mất đi cảm giác sợ "yêu".

Chờ đợi, giữ gìn cơ thể cho đêm tân hôn chưa bao giờ mang đến hạnh phúc cho tôi trong suốt gần 1 năm đầu tiên sau khi kết hôn. Thay vào đó, nó khiến tôi mang cảm giác sợ, khiến tôi cảm thấy hoang mang vào hôn nhân. Tôi liên tục nhắc nhở bản thân rằng "yêu" là vì nhu cầu của chính mình, để gắn kết hai vợ chồng chứ không phải để thỏa mãn cho chồng mà thôi.

Nếu có một điều ước, tôi ước rằng mình không đợi, không giữ gìn. Dĩ nhiên, tôi cũng không có quan niệm "bừa bãi". Tôi sẽ thăng hoa cùng bạn trai khi tôi cảm thấy sẵn sàng, tôi sẽ không xem chuyện "mất" là điều tội lỗi, dơ bẩn.

Nhưng đó chỉ là ước, làm sao có thể quay ngược thời gian được!

Tôi viết những dòng này chỉ để nhắn nhủ với mọi người rằng, nếu bạn muốn giữ gìn cho đến khi cưới, hãy chắc chắn rằng đó là do bạn muốn chứ không phải do bạn bị nhồi nhét tư tưởng. Đừng quá đặt nặng chuyện "giữ gìn" vì sợ bị đánh giá "hư hỏng". Cơ thể của bạn, không phải của bất kì ai. Cảm xúc của bạn, không phải của thiên hạ. "Chuyện yêu" là của bạn, không phải của người ta.

Tin liên quan