Cứ mỗi lần đến chu kỳ "đèn đỏ" là Lam (25 tuổi, quê Hà Nam) lại bị ám ảnh bởi những cơn đau quằn quại kéo dài phải nằm im một chỗ không thể làm gì được. Cô gái trẻ gọi thời kỳ này là "1 tuần đen tối".

Không riêng gì Lam, nhiều chị em thường bị đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt. Cơn đau xuất hiện ở khung chậu hoặc bụng dưới. Có người bị đau âm ỉ, người lại đau dữ dội làm cho sắc mặt tái đi, chân tay lạnh, thậm chí có người đau quằn quại phải dùng đến các loại thuốc giảm đau để hỗ trợ.

Ảnh minh họa: Internet

Theo y học cổ truyền, đau bụng trong kỳ kinh nguyệt xuất phát từ việc khí huyết, âm dương trong cơ thể không được điều hòa dẫn đến huyết kinh ứ trệ gây nên bệnh. Cụ thể, tâm lý bất an, không thư thái dẫn đến can khí uất trệ làm huyết ứ, gây đau, hoặc do hàn khí kết ở bào cung làm huyết không vận hành dẫn đến đau. Bên cạnh đó, cơ thể suy yếu, khí huyết hư dẫn đến mạch xung – nhâm bị rối loạn cũng gây tình trạng đau bụng.

Trên phương diện y học hiện đại, theo BSCKII Nguyễn Công Định - Giám đốc Cơ sở 2 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, đau bụng kinh bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân điển hình như:

- Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý trong kì kinh nguyệt: uống ít nước, ăn nhiều đồ lạnh, đồ có tính hàn, không giữ ấm bụng… là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên hiện tượng đau bụng kinh.

- Vận động không hợp lý: khi hành kinh phụ nữ vận động mạnh, chạy nhảy hoặc làm việc nặng… cũng gây đau bụng kinh. Ít vận động, ngồi một chỗ quá nhiều cũng gây đau bụng kinh.

- Do yếu tố nội tiết, sự gia tăng bất thường progesterone và gia tăng prrostaglandin trong máu tác động đến cơ tử cung nên thường gây đau bụng kinh.

- Những bất thường ở tử cung như: tử cung phát triển không tốt, vị trí của tử cung không bình thường, tử cung lùi về phía sau hoặc quá ngả về phía trước cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu kinh và gây đau bụng khi hành kinh.

- Tử cung co thắt không bình thường hoặc quá co thắt, làm cho tử cung không dễ dàng thả lỏng bình thường, do đó sẽ gây ra hiện tượng đau bụng kinh. Cổ tử cung quá hẹp khiến kinh nguyệt khó lưu thông ra ngoài thường gây đau bụng kinh.

Đặc biệt, đau bụng kinh còn có thể bắt nguồn từ một số bệnh phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, vị trí nội mạc tử cung không bình thường, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung…

Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau bụng kinh

Trên thực tế, ở một số chị em hay bị đau bụng kinh, vì không thể chịu đau và không muốn phải gián đoạn công việc, học tập vào những ngày "đèn đỏ" nên thường hay mua sẵn thuốc giảm đau để uống mỗi khi đến ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc quá lạm dụng thuốc giảm đau sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Không nên lạm dụng thuốc giảm đau khi đau bụng kinh. Có thể chườm ấm để giảm đau một cách tự nhiên. Ảnh minh họa

Theo đó, dù thuốc giảm đau có ưu điểm là cắt cơn đau nhanh nhưng lạm dụng dùng lâu dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như:

Gây tổn thương gan: Điển hình của việc gây hại gan là dùng quá nhiều sản phẩm chứa paracetamol để giảm đau, nhất là ở những người đã và đang có vấn đề về gan. Khi gan bị tổn thương người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, da xanh xao, sút cân nhanh chóng...

Viêm loét đường tiêu hóa: Các thuốc giảm đau không steroid hay gây bất lợi này. Khi bị ức chế sẽ làm giảm tạo thành chất nhầy của niêm mạc dạ dày - tá tràng. Khi chất nhầy bảo vệ bị suy giảm thì acid trong dạ dày sẽ tấn công niêm mạc và gây loét. Vì vậy, nếu chị em thường xuyên dùng thuốc giảm đau này trong những ngày "đèn đỏ" sẽ dẫn đến loét dạ dày thậm chí có thể gây ra xuất huyết hệ tiêu hóa, nguy hiểm đến tính mạng.

Che lấp những căn bệnh khác: Sử dụng thuốc giảm đau nhiều sẽ che lấp các triệu chứng có liên quan đến bệnh khác ở đường tiêu hóa cũng như ở cơ quan sinh dục, làm muộn chẩn đoán các bệnh lý này.

Hơn nữa, khi dùng thường xuyên có thể gây "hội chứng không rụng trứng" mặc dù vẫn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, chị em không nên lạm dụng thuốc giảm đau để tránh gây gại cho sức khỏe. Trong trường hợp dùng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để uống với liều lượng hợp lý, hạn chế tối đa những tác dụng phụ không mong muốn.

Khi bị đau bụng kinh, chị em có thể áp dụng một số cách giảm đau tự nhiên không gây hại sức khỏe như: dùng nước ấm để chườm bụng dưới cho bớt đau, tránh vận động mạnh và có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước lọc, hạn chế đồ uống có cồn hoặc chất kích thích, kiêng đồ ăn lạnh cay trong kỳ hành kinh…