Bà bầu ăn ngũ cốc có tốt không?

Ngũ cốc rất giàu các dưỡng chất như sắt, selen, magie, axit folic cùng các vitamin nhóm B (B1, B2…) nên rất cần thiết cho phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, cần sử dụng ngũ cốc cho bà bầu một cách điều độ và hợp lý để mang lại sự ngon miệng lẫn lợi ích tuyệt đối cho cơ thể. Theo đó, các loại ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất xơ, khoáng chất... giúp cơ thể bà bầu nạp đủ năng lượng cần thiết.

Ngoài ra, bà bầu thường đối mặt với những cơn đói trong quá trình mang thai, nên ăn ngũ cốc là sự lựa chọn tuyệt vời. Theo đó, chỉ cần ăn ngũ cốc với sữa hoặc trái cây là mẹ bầu đã có một bữa ăn no, ngon miệng và đầy đủ chất dinh dưỡng một cách lành mạnh. Bên cạnh đó, hầu hết các loại ngũ cốc đều chứa hàm lượng chất béo tốt hơn so với chất béo của mỡ động vật hoặc các loại chất béo khác.

Không chỉ vậy, hàm lượng vitamin E trong ngũ cốc còn hỗ trợ làm da mẹ bầu trở nên căng bóng, mịn màng và hồng hào, xóa tan nỗi lo nám da, mọc mụn, da kém sắc. Cạnh đó, một số loại ngũ cốc còn có tính thanh nhiệt, những bà bầu hay căng thẳng cũng nên dùng để giảm tải áp lực.

Ngũ cốc có rất nhiều lợi ích cho bà bầu. (Ảnh: Internet)

Thêm nữa, ngũ cốc còn giúp kéo dài thời gian "cư trú" của thức ăn trong dạ dày, giúp làm giảm khả năng hấp thụ đường, giảm nguy cơ huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, các bệnh tim mạch, bệnh viêm nhiễm vòm miệng, viêm lưỡi, loét miệng, hội chứng tăng huyết áp khi mang thai và nhiều căn bệnh khác.

Tuy vậy, bà bầu cần cân nhắc lựa chọn các loại ngũ cốc chưa qua xử lý hay tẩm ướp gia vị để hạn chế lượng đường, muối vào cơ thể. Theo đó, các loại ngũ cốc đóng gói cũng có khả năng có chất bảo quản, dễ đưa chất độc hại vào người không có lợi cho thai nhi.

Các loại hạt ngũ cốc tốt cho bà bầu

Yến mạch

Được xem là loại ngũ cốc giàu năng lượng nhất, yến mạch có tác dụng chống axit hóa, kích thích sự ngon miệng và giảm nguy cơ táo bón ở bà bầu. Đồng thời, nếu bà bầu ăn nhiều chất béo, yến mạch sẽ hỗ trợ cân bằng chất béo và chất xơ để thai phụ có chế độ ăn lành mạnh, đảm bảo sự hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngoài ra, yến mạch còn cung cấp selen, magie và protein, tất cả các chất dinh dưỡng quan trọng trong thời kỳ mang thai.

Hạt dẻ

Đây là loại hạt giàu sắt, kẽm, protein giúp lưu thông máu và bổ thận.

Ngô (bắp)

Ngô là loại ngũ cốc có chứa hàm lượng calo cao ngang với gạo, ngoài ra còn chứa chất xơ, chất béo, carbonhydrat, khoáng chất, vitamin, đặc biệt là tiền vitamin A rất bổ dưỡng và là nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Đặc biệt, ngô rất tốt cho tuyến giáp trạng, là ngũ cốc đặc trị các bệnh về tim mạch và ruột non.

Ngũ cốc có thể kết hợp với nhiều loại trái cây khác nhau để làm mới khẩu vị. (Ảnh: Internet)

Gạo lứt

Là loại ngũ cốc có tác dụng tốt trong việc chống lại chứng tăng cân và rối loạn chức năng tiêu hóa, giúp ổn định sự trao đổi chất của cơ thể và sự rối loạn bài tiết. Ngoài ra, gạo lứt còn rất tốt để chống bệnh táo bón.

Hạt óc chó, hạnh nhân

Là những loại hạt giúp bổ sung omega-3 tự nhiên cho trí não trẻ thông minh, phát triển từ trong bụng mẹ.

Các loại đậu

Hầu hết các loại đậu có tính thanh nhiệt, mát gan, giải độc, bổ thận, ngăn ngừa ung thư, chất chống oxy hóa cao, ngăn ngừa lão hóa sớm. Ngoài ra, thai phụ cũng có thể ăn hạnh nhân, hạt dẻ cười, hạt hồ đào… là những loại hạt giàu chất xơ, protein, chất béo, canxi, vitamin C, folate.