Có khi vợ hay chồng tô thêm để tăng giá trị của người đang đầu ấp tay gối; có lúc tô thêm để chứng tỏ ta đây cũng có một thời tuyệt vời hơn hiện tại. Thôi thì, hay dở cũng phải nghe và cố nín nhịn cho qua.

Nhưng nếu người xưa bỗng nhiên xuất hiện thì sao? Một người bạn đã ra đi lâu lắm rồi. Mối tình của những năm người ta đi di tản vì không chịu nổi một sự thay đổi quá lớn. Buồn lắm và đau lắm, những mối tình mây bay dang dở. Bao nhiêu năm, người ấy bỗng trở về, ký ức dồn nén. Người xưa chỉ đợi tâm sự có dịp ùa ra, thổ lộ, san sẻ cho nhẹ bớt lòng. Trong khoảnh khắc hưng phấn, họ như quên đi tình yêu đang sừng sững tồn tại, ngay bên cạnh họ.

Ảnh minh họa: Internet

Câu chuyện của quá khứ, ánh mắt của quá khứ có thể đốt cháy người hiện tại đang cố lắng nghe, cố mỉm cười. Đến khi cả hai người xưa kia cùng giật mình tỉnh ra, thấy người nay chẳng nói lời nào, chỉ lặng lẽ ngồi nghe, cười gượng gạo. Sự im lặng dài quả là vũ khí lợi hại.

Hai người bạn xưa bỗng thấy mình quá lố, thấy mình luyên thuyên như hai con vẹt đủ màu mà không ai hưởng ứng. Người thứ ba của thời quá khứ, nay là bà xã, chỉ mỉm cười đáp trả mà sức mạnh thật khủng khiếp. Sự kín đáo quan sát, coi như câu chuyện kia không nghĩa lý gì, không làm mình bị xao động, trở thành một bức tường bảo vệ vững chắc.

Nhưng cũng có dạng người xưa sang trọng, giàu có, xuất hiện trong một căn phòng chật chội và bừa bộn của đôi vợ chồng vốn là bạn cũ. Sự khó xử, bẽ bàng trước người yêu xưa như đang minh chứng rằng, sự lựa chọn của mình kém hơn hẳn, cũng bối rối lắm.

Câu hỏi cố nén lại, không nói ra mà vẫn hiển hiện: “Người thay chân tôi chỉ như thế này thôi sao?”. Cảm giác lúng túng, ngượng ngùng và tự gồng mình của một trong hai người tình xưa thật không tránh khỏi.

Muốn thoát khỏi trạng thái đó, chỉ có sự chân tình đáp trả mới khỏa lấp được đám mây mờ bỗng nhiên xuất hiện. Thôi thì, cứ thật thà bô lô, ba la, giả vô tâm khi người thứ ba cứ nhắc mãi kỷ niệm cũ, cũng là cách gỡ tình thế xấu nhất sẽ xảy ra. Sự sang trọng, lịch thiệp của người xưa trở về bỗng chốc trở nên khách sáo, không hợp ngữ cảnh, buộc họ phải nhanh chóng rút êm để tránh cuồng phong.

Ảnh minh họa: Internet
 

Có cuộc gặp lại rất lịch sự, người của hôm qua không hề đi quá giới hạn, vẫn giữ thái độ chừng mực. Người xưa, dẫu trong lòng còn nhiều gió, họ không dại gì lao vào bếp lửa cho đám cháy bùng lên. Họ biết, họ sở hữu bên kia một nỗi buồn êm ái, dịu ngọt. Nó đẹp hơn thứ tình yêu trần trụi mà bạn mình đang có. Vì cảm giác thoảng qua, thoang thoáng hương vị xưa kia vẫn còn và cả sự luyến tiếc không thành cũng dễ làm lòng ta khắc khoải.

Người xưa mới trở về có thể sống với cảm giác ấy cả đời, vì họ có mất gì đâu. Ngán ngại nhất là trường hợp người xưa của vợ/chồng vẫn còn đơn thân. Họ tự do tận hưởng thi vị của cảm giác “tình cũ mà lạ”, cũng đủ an ủi sự trống trải.

Chỉ có vợ/chồng đang bên nhau là thấy khó xử. Một bên là ngấm ngầm, bứt rứt, nghi ngờ, ghen tuông. Bên kia mơ màng so sánh và tiếc nuối, thậm chí cồn cào nhớ thương bỗng đâu trở lại.

Ảnh minh họa: Internet

Thôi thì vợ chồng, cứ coi người xưa của vợ/chồng mình như thượng khách, tự tin nắm giữ hạnh phúc, chủ động xếp những cuộc gặp gỡ để cặp bạn cũ được công khai trò chuyện. Làm sao cho lòng tự trọng của người xưa được bật lên, để họ thấy rằng, họ làm thêm một điều gì không phải cũng là điều ác với chính người bạn đã từng thân thương của mình.

Ngôi nhà trên mạng của vợ chồng nên tải dày đặc hơn những cuộc vui vẻ trong gia đình hay cùng tụ với bạn bè để bạn bè like, càng nhiều càng hay nhé. Người xưa chắc cũng đẹp lòng mà yên vị, hiểu họ không còn chỗ và cơ hội.

Đừng bao giờ tự đẩy mình vào một cuộc ghen tuông khi chưa đến mức phải ghen, nhưng cũng đừng quá mù mờ, chủ quan để người xưa tìm thấy chỗ trống trong nhà bạn. Thế giới bây giờ, làm căng dễ xa nhau lắm.

Vợ chồng ở với nhau lâu hay sinh ra nhàm chán. Người xưa xuất hiện, họ chưa hẳn là người thứ ba đâu, nhưng nếu bạn tự đẩy mình vào cuộc ghen tuông hoặc lơ là phòng thủ tức là bạn vô tình tạo điều kiện cho người kia có chỗ đứng trong lòng nhà mình đấy.

Nhẹ nhàng và thông minh, gạt nhẹ “bạn thân” xưa, để làm sao họ vẫn chỉ là khách thôi, bạn nhé!