Rất nhiều người đặt câu hỏi: “Sao khi lấy nhau rồi, tình yêu đôi lứa không còn nồng cháy như thuở chưa thuộc về nhau?”. Đơn giản, vì bạn không thấy hạnh phúc.


Không phải hành trình hôn nhân nào cũng màu hồng - Ảnh minh họa: Internet

Con đường hôn nhân là con đường gập ghềnh, với lắm vui buồn, khó khăn chồng chất. Kết hôn là phải làm quen dần với những gì không thuộc về nhau, điều tiết lại sự ích kỷ, tật xấu của mỗi người, sao cho cuộc sống càng dài thì sự chịu đựng về nhau phải giảm dần, thay vào đó là sự cố gắng hòa hợp. Cuộc sống bên nhau sẽ luôn có những chuyện vụn vặt xuất hiện. Sở thích của người này chắc gì là của người kia. Trong hàng ngàn những việc nhỏ thuộc về sinh hoạt phải chung đụng, chia sớt quả cần rất nhiều kiên nhẫn và yêu thương mới bỏ qua được những bực mình, khó chịu. Khi người này chiều người kia là ở đó đã có chút hy sinh, nhường nhịn rồi.

Người được chiều cũng không thể cứ vô tư nhận mãi. Tình cảm phải “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Hạnh phúc là một hành trình, phải vun bồi thường xuyên. Trên hành trình đó, bạn chẳng thể tránh khỏi những lúc nản lòng, những khi buồn đau, thậm chí có khi mấp mé ở sự bội bạc. Trên con đường giông bão, phải thật khéo chèo chống, thật có lòng mới tránh được đổ vỡ. Nếu vợ chồng, ai cũng nghĩ mình hay, mình lúc nào cũng đúng thì sẽ có ngày hành trình ấy phải chấm dứt giữa đường, khi một trong hai không còn nghĩ đến người kia hoặc cả hai không còn nghĩ đến nhau.

Tại sao có nhiều đàn ông, phụ nữ sống rất hay và tốt bụng, nhưng vẫn không giữ nổi hạnh phúc của mình, để rồi khi trở về cuộc sống đơn thân, họ lại thật tuyệt vời? Rõ ràng, chưa hẳn người tốt sẽ hạnh phúc. Đã là quan hệ hai người thì vẫn phải liên tục cho và nhận. Vợ chồng sống với nhau mà chỉ vì cái nghĩa thì từ trong sâu thẳm đã thấy trống vắng rồi.

Hạnh phúc thực sự là cảm giác luôn gắn với sự mãn nguyện, hiểu nhau và biết ý nhau. Có đôi vợ chồng già, sống với nhau đã 50 năm, nhìn bên ngoài thấy gia đình đầm ấm, khá giả, con cái thành đạt; nhưng bên trong, các con vẫn không thừa nhận cha mẹ mình hạnh phúc. Sự độc tài của người cha khiến người mẹ phải nén chịu cho yên cửa, ấm nhà; nhưng sao tránh được sự xung khắc trong lòng các con. Cha tự hào vì mình nghiêm khắc mà giữ vững kỷ cương gia đình. Con cái lại mong có ngày thoát khỏi sự kiểm soát của cha. Sự bất mãn như bình khí nén chờ khi con đến tuổi trưởng thành. Chúng tuyên bố thẳng: không bao giờ lập gia đình, vì không muốn lặp lại cuộc sống của cha mẹ.

Có những gia đình hạnh phúc đổ vỡ không hẳn do vợ chồng đối xử tệ với nhau, mà do quan niệm nuôi dạy con. Cha mẹ nghiêm quá, không tâm lý, không gần gũi con, chúng cũng sinh ra bất mãn và dễ bị ảnh hưởng xấu từ xã hội. Ngược lại, nuông chiều con quá, con cũng sinh hư. Một gia đình có con cái hư là một gia đình bất hạnh. Đường đi càng dài, hạnh phúc càng khó nắm giữ, bởi hạnh phúc không phải là đích đến mà là cả một cuộc đời phải cùng nhau gắn bó, hy sinh bớt cái tôi vô lý để tìm được sự tương đồng hợp lý nhất trong mọi vấn đề.

Hy sinh bớt cái tôi vô lý để vợ chồng hòa hợp hơn - Ảnh minh họa: Internet

Có vẻ quá cực đoan khi cho rằng, đời sống hôn nhân, ít ai có hạnh phúc. Quả thật, không có cuộc hôn nhân nào toàn màu hồng và hòa hợp tuyệt đối. Hạnh phúc có khi chỉ đạt độ viên mãn ở từng chặng. Cuộc sống buộc ta phải thích ứng liên tục. Trong chuỗi thích ứng ấy, gia đình nào tìm được sự đồng thuận nhiều, cảm thấy hài lòng nhiều thì xem như hạnh phúc.

Hạnh phúc đôi khi đến từ sự cần nhau: anh cần em, em cần anh, cha mẹ cần con, con cần cha mẹ… cứ như thế mà sống và chẳng thể tách rời nhau. Bên trong những mối quan hệ này là tình yêu bền chặt, tuân thủ những nguyên tắc chung nhất. Cuối cùng thì, hạnh phúc vẫn đặt trên cơ sở là tình yêu - điều con người luôn khắc khoải đón chờ và hy vọng. Tình yêu đến rồi có khi đi thì hạnh phúc cũng vậy. Giữ hạnh phúc khó lắm, nhưng phải cố thôi.

Người sống đơn thân cũng có thể tìm được hạnh phúc. Đó không phải là quan hệ đôi lứa mà là quan hệ giữa họ với cộng đồng, bao gồm niềm vui, sở thích, bạn bè, học hành, thăng tiến. Có người độc thân cho rằng, cứ làm được những việc mình thích, sống đúng với ý mình muốn, chẳng cần ai, tôi cũng thấy hạnh phúc. Thật ra đó là cảm giác tức thời, cố tự bằng lòng với mình, chứ trong sâu xa, họ vẫn mong ước hạnh phúc, muốn được trao gửi hoặc chí ít cũng có người quan tâm, ngưỡng mộ.

Hạnh phúc không quá lớn, chẳng quá khó. Nó sẽ xuất hiện bên ta, miễn sao ta có ý thức tự hoàn thiện mình, hoàn thiện những mối quan hệ xung quanh, để hạnh phúc có thể ở lại lâu dài hơn là chỉ những khoảnh khắc.