Bà bầu uống nước mía có tốt không?

Nước mía là thức uống giải khát phổ biến của mọi người hiện nay. Tuy nhiên đối với bà bầu, việc có nên uống nước mía hay không không phải chị em nào cũng biết.

Theo kinh nghiệm dân gian, bà bầu uống nước mía sẽ giúp tăng ối, con sinh ra có làn da trắng hồng. Tuy nhiên trên thực tế, quan niệm này hoàn toàn không chính xác. 

Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Cố vấn chuyên môn khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết:

"Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi hormone thai kỳ. Các hormone HCS (humnan chorionic gonadotrophin), estrogen, progesterone, endorphin… tiết ra nhiều hơn khiến tâm trạng mẹ bầu luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng.

Bên cạnh đó, hormone insulin – hormone có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa đường trong cơ thể mẹ bầu cũng được sản xuất nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của mẹ và thai nhi.

Mẹ bầu uống nước mía khi mang thai khiến lượng đường trong cơ thể tăng cao, insulin không thể điều chỉnh được lượng đường phù hợp. Hậu quả là bà bầu mắc hội chứng tiểu đường thai kỳ. Vì thành phần chủ yếu của nước mía chính là đường".                             

Ảnh minh họa: Internet

Do đó, bác sĩ Kiều Dung khuyến cáo bà bầu không nên uống nước mía trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe mẹ và con. Thay vào đó, chị em nên chú trọng dinh dưỡng khoa học và cân bằng với các nguyên tắc:

- Nên ăn đầy đủ các chất, các thực phẩm giàu dinh dưỡng (thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi…) để cung cấp đầy đủ protein, vitamin và khoáng chất cho thai nhi.

- Không nên ăn quá nhiều (theo tâm lí ăn cho mẹ và con) mà chỉ nên ăn vừa phải.

- Ăn ít cơm và tinh bột.

- Hạn chế ăn các chất đường, chất béo không tốt cho sức khỏe.

Đặc biệt, khi thấy sức khỏe có những dấu hiệu bất thường, chị em nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để kịp thời chẩn đoán. Tuyệt đối không tự ý tìm hiểu các thông tin tràn lan, gây nhiễu trên mạng.

Ai không nên uống nước mía?

Không chỉ bà bầu, nước mía tuy là thức uống giải khát ngon - bổ - rẻ nhưng mọi người cũng cần chú ý không nên uống trong một số trường hợp:

Không uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc

Những người đang sử dụng mốt số loại thuốc bổ sung, thuốc chống đông máu không nên uống nước mía. Thành phần các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol - thành phần làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Người có đường ruột yếu nên hạn chế uống nước mía

Những người bị đường ruột yếu, đầy bụng, hay tiêu chảy nên hạn chế sử dụng nước mía. Hàm lượng cao cũng gây ra tình trạng dư đường, béo phì, thừa năng lượng ở một số người. 

Không uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc - Ảnh minh họa

Người đang giảm cân không nên uống nước mía

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết lượng đường trong nước mía chiếm đến 70%, thành phần còn lại là chất béo, chất đạm và bột. Do đó, một ly nước mía cung cấp rất nhiều năng lượng, gây nguy cơ thừa cân, béo phì. Những người đang giảm cân tốt nhất nên "nói không" với nước mía.