Tu hành là gì

“Tu” nghĩa là sửa, tìm ra cái sai, cái chưa tốt chưa thiện của mình để sửa cho đúng hơn, tốt hơn, thiện hơn. Khi đã sửa được tốt hơn, thiện hơn thì đã lên cảnh giới tầng thứ cao hơn, lại nhìn lại mình, phát hiện ra điều mình vẫn chưa đúng, chưa tốt, chưa thiện rồi lại sửa tiếp. Một quá trình liên tục như vậy sẽ liên tục nâng cao đạo đức,phẩm hạnh cá nhân.

Còn “hành” nghĩa là thực hành, hành động. Sau khi sửa mình cho đúng cho tốt thì áp dụng vào thực tế, vào mối quan hệ với mọi người, để xem cái mình cho là tốt, là đẹp, là thiện, là đúng đó có được mọi người chấp nhận, đồng tình không, có làm tổn hại người khác không, từ đó mà điều chỉnh, sửa đổi, quay lại tu thân. Hành cũng là để kiểm nghiệm xem mình đã tu sửa vững chắc chưa, trước những mâu thuẫn về quan hệ, lợi ích, danh tiếng, những cái xấu của mình còn tái phạm không.

 
Do đó tu hành là tự xem xét bản thân. Để xem xét bản thân chính xác thì cần lắng lòng, để tâm bình khí hòa rồi nhìn lại mình, xem bao nhiêu thói quen của mình có các loại cố chấp, có các chủng thiên kiến không, có nóng vội, có khoe khoang khoa trương không, có gì giả dối khó nói ra không, còn có rất nhiều những hạn chế mà chưa dám thừa nhận.

Cái gốc làm người là tu thân, tự xem xét bản thân là tu hành

Nho gia nói “tu thân”, Phật giáo nói “tu hành”. Hai từ này tuy có khác biệt, nhưng người đời đều coi nó gần như nhau, và có thể dùng lẫn lộn.

Sách Đại Học có câu quan trọng: “Từ Thiên tử đến thứ dân, hết thảy đều lấy tu thân làm gốc”. Tu thân là gốc rễ của nền văn minh. Từ ngàn xưa, con người vẫn thông qua việc tu hành lễ nhạc, thông qua tu Phật, tu Đạo, mà không ngừng hoàn thiện mình. Đời người chính là tu hành một đời.

Có tự giác tu hành như thế này, mới có được nền văn minh hàng nghìn năm, mới vững vàng trải qua bao kiếp nạn. Từ thiên tai địch họa đến ngoại bang thống trị, đồng hóa, nhưng nền văn minh văn hóa truyền thống không bị biến mất, vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt.

Mấy chục năm nay, nền đạo đức văn minh tinh thần đã bị suy đồi, băng hoại, chính là vì con người đã quên đi mất gốc rễ của mình là phải tu thân. Chính vì đã quên mất phải tu thân nên con người ngày nay cả ngày giận dữ, bực tức, phê phán, tranh giành được thua, khiến tâm tình nóng nảy, khó chịu, u uất. Đến nay, sự suy đồi, sa sút này đã có dấu hiệu chững lại, nền văn minh tinh thần, văn hóa truyền thống đang bước đầu được khôi phục. Điều quan trọng hàng đầu chính là khôi phục lại sự tự giác tu hành.

Tu hành bắt đầu từ gia đình. Sách Đại Học nói trước tiên phải tu thân, tiếp ngay sau đó là tề gia. Do đó nền móng tu hành của đạo đức và văn minh chính là từ gia đình. Gia đình bắt đầu bằng một vợ một chồng, do đó thực sự tu hành là phải bắt đầu từ cách cư xử giữa vợ và chồng.

Hãy từ bỏ 3 điều này để tích phúc đức cho con cháu

Phật bảo, người đời thường cùng nhau tranh cạnh những chuyện thế tục không quan trọng khẩn yếu, chẳng coi trọng đại sự cấp bách nơi bản thân, chẳng biết vô thường nhanh chóng, sanh tử là việc lớn; chỉ tham danh lợi nên tranh đấu hơn thua, sầu khổ muôn bề, chẳng biết lúc nào thoát khỏi.

Chúng sanh chướng sâu, nghiệp nặng, ba độc (tham, sân, si) lừng lẫy. Do si hoặc nên tạo nghiệp khổ báo vô tận, chìm đắm trong biển khổ đau đớn không cách gì diễn tả nổi. Vì thế, Phật thương xót khuyên bảo nên chán lìa. Phật dạy răn, khuyên lơn chúng sanh nên dứt ác làm lành, tinh tấn hành đạo, cầu sanh Cực Lạc.

Phật còn nói rằng, từ bỏ "tam độc" chẳng những giúp người tới cõi cực lạc, niết bàn, còn có thể tích phúc cho con cho cháu. Ta thấy, Phật liên tiếp nhắc đến tham-sân-si khi nói đến Cực lạc, Niết-bàn. Tham ở đây tức là tham dục, sân là oán hận và si là mê muội.

Đây cũng chính là “tam độc” trong nhà Phật. Chính ba thứ độc này đã ngày ngày đày đọa cuộc sống con người, biến cuộc sống hiện tiền thành địa ngục trần gian bởi vì tham-sân-si là tác nhân tạo nên bao khổ đau, phiền não, bất hạnh.