Trầm cảm là căn bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt hay gặp ở trẻ vị thành niên bị khủng hoảng.

Yếu tố di truyền và các căng thẳng từ môi trường bên ngoài cũng được cân nhắc như là những nguyên nhân dẫn tới trầm cảm. Nó có thể làm mất cân bằng sinh hóa não, đặc biệt là các chất serotonin, norepinephrine và dopamine.

Trẻ có thể bị rối loạn trầm cảm sau khi gặp căng thẳng, trải qua sự thiếu thốn, mất mát trong cuộc sống; gặp khó khăn trong học tập và các mối quan hệ giữa trẻ với bạn bè, thầy cô; trẻ mặc bệnh mạn tính, chấn thương sọ nẽo, sinh non, nhẹ cân; trẻ lạm dụng hoặc nghiện thuốc lá, rượu bia, ma túy; gia đình có người bị trầm cảm.

Trầm cảm có thể để lại hậu quả lâu dài về phát triển xã hội, phát triển cảm xúc, học tập, nghề nghiệp của trẻ. Trẻ dễ rơi vào tình cảnh lạm đụng, nghiện rượu bia, thuốc lá, ma túy. Đặc biệt, trẻ bị trầm cảm có thể nghĩ đến việc tự tử.

Nỗi buồn, tâm trạng kém hoặc chán nản do những thất vọng hoặc mất mát trong cuộc sống là những đặc trưng của rối loạn trầm cảm. Nó cũng tương tự với rối loạn trầm cảm ở người trưởng thành. Tuy nhiên, trầm cảm ở trẻ còn có thể đi kèm với rối loạn lo âu, hành vi gây rối, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất gây nghiện.

Nhiều gia đình không nhận ra trẻ bị rối loạn trầm cảm mà chỉ cho rằng con em mình là người nhút nhát, lười biếng, cứng đầu...

Để biết trẻ có bị trầm cảm hay không, phụ huynh cần xem xét việc trẻ học tập, hoạt động có giảm sút so với trước không.

Đa phần trẻ bị trầm cảm thường có biểu hiện buồn bã, lo âu, có cảm giác "trống rỗng" dai dẳng; cảm giác tuyệt vọng hoặc bi quan; cảm giác tội lỗi, vô giá trị hoặc bất lực; mất hứng thú với các sở thích, hoạt động trước đây; mệ mỏi, giảm năng lượng; khó tập trung, kém tiếp thu khi học; mất ngủ, ngủ dậy sớm, thường xuyên gặp ác mộng hoặc ngủ nhiều; ăn không ngon miệng, giảm cân hoặc ăn quá nhiều, tăng cân; suy nghĩ đến cái chết, tìm cách tự tử; cảm giác bồn chồn, khó chịu.

Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp các triệu chứng về thế chất không đáp ứng điều trị như đau đầu, rối loạn tiêu hóa, đau mạn tính.

Đa phần trẻ em có thể không giải thích được cảm xúc bên trong hoặc tâm trạng. Do đó, cha mẹ nên xem xét xem con có những dấu hiệu liên quan đến trầm cảm hay không.

Ngoài những biểu hiện nêu trên, nếu phụ huynh thấy trẻ có triệu chứng dưới đây hãy cân nhắc việc đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời:

- Thường xuyên phàn nàn đau đầu, đau ngực, đau bụng hoặc mệt mỏi;

- Thường xuyên không có mặt ở lớp học hoặc kết quả học tập kém;

- Từng nhắc đến chuyện bỏ nhà đi, trộm cắp; la hét, khó chịu không rõ nguyên nhân, hoặc khóc lóc, buồn chán, không có hứng thú khi chơi với bạn bè.

- Trẻ cô lập bản thân với xã hội, thu mình, giao tiếp kém, gặp nhiều khó khăn với các mối quan hệ. Trẻ hay bám chặt bố mẹ, tránh người lạ, ngại đối đầu với thách thức.

- Trẻ không tập trung, hay quên, thiếu quyết đoán.

- Trẻ tỏ ra sợ cái chết.

- Trẻ quá nhạy cảm khi gặp thất bại hoặc bị từ chối.

- Trẻ tỏ ra khó chịu, tức giận hoặc có thái độ thù địch nhiều hơn so với trước đó.

- Trẻ có hành vi liều lĩnh, nguy hiểm.

- Trẻ có biểu hiện lạm dụng rượu bia hoặc chất gây nghiện.