Dấu hiệu mọc răng ở trẻ sơ sinh

Bé sơ sinh sẽ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên trong giai đoạn từ 6 - 10 tháng tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Hầu hết các bé sơ sinh sẽ bắt đầu mọc răng từ 6 - 10 tháng tuổi, một số ít trẻ có thể bắt đầu sớm hơn hoặc chậm hơn. Các trải nghiệm mọc răng của mỗi bé sẽ khác nhau, tuy nhiên nhìn chung, mẹ có thể lưu ý đến các dấu hiệu sau đây:

Các dấu hiệu mọc răng ở trẻ sơ sinh

  • Nướu sưng, mềm
  • Trẻ quấy khóc
Trẻ quấy khóc vì đau nhức là một dấu hiệu mọc răng phổ biến - Ảnh minh họa: Internet
  • Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ (dưới 38 độ C)
  • Bé có biểu hiện muốn gặm hoặc đưa các vật cứng vào miệng để ngậm và cắn
  • Chảy nhiều nước dãi
  • Thay đổi cách ăn hay thói quen ngủ.

Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, trong suốt khoảng thời gian răng mọc hoặc kéo dài trong vài tháng nếu nhiều răng xuất hiện cùng một lúc.

Đối với một vài em bé may mắn, việc mọc răng không gây ra bất kỳ dấu hiệu đáng chú ý nào cả. Bác sĩ nhi khoa Deb Lonzer, Chủ tịch Khoa Nhi khoa cộng đồng tại Bệnh viện Nhi đồng Cleveland cho biết: Có một phần ba trẻ em có thể chảy nước dãi, một phần ba khác có thể cáu kỉnh và một phần ba khác có thể khó ngủ khi mọc răng.

Các triệu chứng không phải dấu hiệu mọc răng ở trẻ sơ sinh

Tham khảo về thời gian mọc răng trung bình đối với trẻ em - Ảnh minh họa: Internet

Nếu em bé của bạn bị tiêu chảy, sốt hoặc sổ mũi đi kèm, đừng xem đây là dấu hiệu mọc răng, đặc biệt là khi các triệu chứng kéo dài hơn 24 giờ.

Mặc dù nhiều cha mẹ có thể cho rằng những triệu chứng này liên quan trực tiếp đến việc mọc răng của con, nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng có liên quan. Các chuyên gia ở Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết: Sốt cao và tiêu chảy không phải là triệu chứng mọc răng thông thường.

Một trong nhiều cách giải thích cho các triệu chứng này là do trẻ mọc răng thường xuyên đưa đồ vào miệng để làm dịu nướu, dẫn đến việc trẻ bị bệnh khi tiếp xúc với virus và các vi trùng khác.

Cần mang con đến bác sĩ khi trẻ có nhiệt độ cao hơn 38 độ C cùng với các triệu chứng như lờ đờ, chán ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Cách làm dịu cảm giác khó chịu khi bé mọc răng

Thông thường, một vật lạnh trong miệng của bé giúp bé quên đi cảm giác khó chịu. Hãy thử một núm vú giả để lạnh, muỗng, khăn ướt sạch hoặc đồ chơi dành cho bé đang mọc răng. Hãy chắc chắn luôn làm sạch đồ chơi, khăn lau và các vật dụng khác sau khi bé sử dụng.

Trẻ sơ sinh đặc biệt là những trẻ đang mọc răng thường rất thích nhai. Mẹ đừng ngại cho bé nhai theo ý muốn của bé, chỉ cần mẹ đảm bảo những gì bé cho vào miệng là an toàn và sạch sẽ.

Mẹ cũng có thể xoa bóp nướu cho trẻ bằng cách nhẹ nhàng chà xát nướu bằng ngón tay sạch của mẹ. Nếu răng của bé mọc, mẹ có thể để bé gặm ngón tay của mình. Ngoài ra, việc nhúng ngón tay vào nước mát và mát xa nướu trước mỗi lần bú có thể giữ cho bé không cắn núm vú của mẹ khi cho bú.

Khi nào mẹ cần lo lắng về việc mọc răng muộn ở trẻ?

Răng cửa hàm dưới là răng mọc đầu tiên ở trẻ sơ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Mọc răng thường bắt đầu khi em bé từ 6 đến 10 tháng tuổi, tuy nhiên vẫn hoàn toàn bình thường khi răng mọc chậm hơn khoảng thời gian trên.

Nếu răng của bé xuất hiện chậm nhưng sự phát triển xương, da và tóc hoàn toàn bình thường thì có khả năng cao là bé sẽ sớm mọc răng sau đó. Tuy nhiên nếu vẫn không mọc răng khi bé đến 18 tháng tuổi, hãy mang bé đến bác sĩ để kiểm tra.

Mọc răng muộn không báo hiệu bất kì vấn đề nào về sự phát triển của trẻ. Bác sĩ nhi khoa Paul Horowitz - người sáng lập Discovery Pediatrics ở Valencia, California chia sẻ: "Những chiếc răng xuất hiện càng muộn thì càng ít thời gian bị sâu trước khi rụng để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn, vì vậy các bậc phụ huynh đừng quá lo lắng".

Thuộc lòng các dấu hiệu mọc răng ở trẻ sơ sinh sẽ giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn trong việc theo dõi sự phát triển từng ngày của bé.

Nguồn: https://www.babycenter.com/0_teething-signs-and-symptoms_10357437.bc