Con người ở thế gian, mỗi giây mỗi phút đều đang đối mặt với lựa chọn thiện hoặc ác. Lựa chọn thiện, sinh mệnh được phúc báo; lựa chọn ác, thì dù thu được chút lợi ích nhỏ nhoi, nhưng một khi thời khắc tới, sinh mệnh sẽ gặp ác báo.

Bởi vì con người có quyền lựa chọn, nên cho dù trong số mệnh phải gặp nạn, nhưng nếu như một niệm thiện khởi lên, có thể làm việc đại thiện, tích được đại đức, thì có thể được Thần Phật bảo hộ, ác báo mới có thể biến thành phúc báo.

Trong cuộc sống, người ta thường chỉ để ý đến cái gì trước mắt mà ít ai nghĩ đến lâu dài. Dù tin hay không thì chúng ta vẫn sống trong vũ trụ và chịu sự chi phối của luật nhân quả. Những gì mình gieo hôm nay ngày mai mình sẽ gặt. Đã biết trước là vậy sao ta không gieo hạt giống lành để mai ta gặt trái ngọt và mang đến cho đời, cho người cuộc sống tốt đẹp hơn.

 
Hơn thua để làm gì? Tranh giành để làm gì? Ghét bỏ để làm gì? Rồi một mai ta cũng về với các bụi những hư vô nào có mang được đâu, ta chỉ mang theo tội và phước. Chỉ vậy thôi. Được sinh ra làm kiếp con người là điều may mắn và hạnh phúc và những năm tháng trên đời là những chuỗi ngày quan trọng, ta nên trân trọng để sống hạnh phúc đóng góp cho đời và làm điều có ý nghĩa. Bởi lẻ chắc chắn một ngày nào đó ta cũng rủ bỏ tất cả mà đi. Vậy hôm nay chúng ta cùng gieo hạt giống lành, cùng gieo tình yêu thương cùng giúp đỡ nhau để có đời sống thanh thản, bình an và hạnh phúc.

Còn nếu hôm nay ta gieo sân, hận, ghét bỏ, oán trách hay ghét bỏ hoặc hơn thua, hay ghen ghét khi người khác làm tốt thì rồi một ngày nào đó trong cuộc sống ta gặp phải những rắc rối, tai nạn, sự cố hay những bất hạnh mà bản thân hoặc người thân gặp vì lý do cộng nghiệp rồi ta lại phải trả cho đời.

Với quy luật vay trả – trả vay, gieo – gặt là không tránh khỏi vậy ai ơi chỉ có một đời để sống hãy yêu thương chân thành, quan tâm và giúp nhau cùng tiến bộ để cuộc sống hạnh phúc hơn, người hạnh phúc, mình hạnh phúc, đời hạnh phúc.

Mọi thứ xảy ra trên đời đều có lý do và nhân duyên nào đó mà ta đã tạo ra. Không phải tự nhiên người này khỏe – người kia bệnh, người này giỏi – người kia dở, người này thông minh – người kia đần độn, người này giàu – người kia nghèo người này ra đi nhẹ nhàng – người kia ra đi đau đớn chật vật, tất cả đều có lý do, nguyên nhân của nó cả. Bởi đâu đó vẫn là những gì ta gieo thì ta gặt, có thể ta gieo đời này – kiếp này hay đời trước – kiếp trước. Tất cả do những gì đã gieo nên nhận. Cũng vậy ta đang đẹp, đang giàu có, thông minh thì ta nên trân trọng và cũng đừng chế giễu người mà tiếp tục làm thiện lành để điều đó tiếp tục tốt lên. Ngược lại nếu chế giễu, cười nhợt hay lấn ác người khác thì hạt đó gieo ngày mai ta lãnh, hoặc cộng nghiệp con cháu ta có người lãnh.

Là con người ai cũng sợ khổ cầu vui, song người mê chỉ biết sợ quả khổ cầu quả vui. Ngược lại người tỉnh chỉ sợ nhân khổ, tạo nhân vui. Hai bên có cái nhìn khác nhau, bên nào sẽ đạt được như sở nguyện?

Dù ngây thơ thế mấy, người ta vẫn biết, không tạo nhân lành mà cầu quả tốt là chuyện không đâu; sợ quả khổ mà cứ tạo nhân ác là việc khó tránh. Nhân ác không gây, dù chẳng sợ quả khổ, nó vẫn không đến; nhân lành cứ tạo, dù chẳng cầu quả vui, nó vẫn bò sang.

Cho nên người trí nhìn từ cái nhân mà chọn lựa, chọn nhân lành bỏ nhân ác. Cả đời mãi gây tạo nhân lành, loại trừ nhân ác, người này bảo đảm gặt hái những kết quả đẹp đẽ an vui. Ai say sưa tạo nhân ác, chẳng bao giờ nghĩ tới nhân lành, chắc chắn sẽ thu lượm được muôn vàn đau khổ, dù họ sợ sệt khẩn cầu quả ấy đừng đến. Cho nên câu châm ngôn nhà Phật, ít Phật tử nào không thuộc, là "Bồ tát sợ nhân chúng sanh sợ quả".