Chồng lớn hơn tôi gần mười tuổi, trưởng thành trong thời kỳ khốn khó nhất của đất nước - những năm 1980-1990 của thế kỷ trước. Ba mất khi anh mới vào cấp III, mẹ chồng tôi là giáo viên, sau anh còn có ba cô em gái.

Có lẽ vì thế, dù không ai dạy bảo, ý thức mình là người đàn ông duy nhất trong gia đình, là chỗ dựa cho mẹ và các em đã in đậm trong anh. Rồi anh lấy vợ. Tôi không mấy giỏi giang, bươn chải. Tôi cũng đi làm, nhưng tâm ý dành trọn cho việc chăm sóc gia đình, nên thu nhập cũng chỉ đủ cho những thứ lặt vặt, kinh tế chính vẫn một tay anh gánh vác.

Mẹ con tôi sống trong tình yêu, sự bảo bọc của anh. Ngần ấy năm, tôi chưa từng nghĩ, một ngày nào đó, đôi tay anh sẽ mệt mỏi hay hoàn toàn kiệt sức. Anh thú nhận với tôi về số nợ rất lớn, sau một thời gian dài làm ăn không thuận lợi. Càng lo hơn khi các con đang ở tuổi rất cần tiền để học hành, còn mình thì tóc đã nhiều sợi bạc. Càng lao vào tìm những cơ hội khác, anh càng lún sâu.

Giờ thì anh không còn xoay xở nổi. Anh buông tay, để tôi nhìn thấy sự thất bại của bản thân là việc anh không bao giờ muốn, là điều tối kỵ trong cuộc đời anh.

Nhìn đôi vai trĩu xuống của chồng, thật tâm tôi không nghĩ đến số nợ ngoài khả năng của mình nữa, mà chỉ thấy ái ngại và thương xót. Tôi biết anh đang mất tự tin, cảm thấy có lỗi, hối hận và bất lực.

Tôi biết không thể chạm vào chồng lúc này, nếu không muốn anh tan đi và rã ra, không còn là chồng, là cha trong gia đình chúng tôi nữa. Tôi lẳng lặng cùng anh ký tên bán tài sản, vay mượn thêm để thanh toán nợ nần.

 
Ảnh minh họa: Internet

Sau này, trong một lúc vui vẻ, anh nói với tôi, lúc ấy anh không kìm được nước mắt, thấy mình như không còn sức. Có cánh chim nào bay mãi mà không mỏi đâu. Đàn ông khóc có phải là việc trầm trọng không?

Có yếu đuối, mất nam tính không? Suy cho cùng, cảm xúc đâu thể ép buộc được. Thế nên khi hai cậu con trai nhỏ của tôi khóc, tôi cứ để chúng khóc. Tôi nhận ra rằng, các con cân bằng hơn khi hết khóc. Càng lớn, một cách tự nhiên, các con không dễ dàng rơi nước mắt nữa.

Con trai tôi năm nay học lớp bảy, lần đầu được đi xe đạp đến trường, con khiến tôi một phen hoảng vía khi hơn sáu giờ mới về nhà: “Con đi ngang qua trường mầm non Tuổi Hoa, trường con hồi xưa đó. Con thấy một nhóc ngồi sau cánh cổng, chỗ cái ghế đá, khóc lè nhè. 

Tự nhiên con nhớ hồi đó ba cũng hay đón muộn, có lần con ngồi khóc y vậy. Con xin chú bảo vệ, vô ngồi chơi với nó. Nhóc đó vui mẹ”. Tôi nhớ mãi ánh mắt rạng rỡ của con lúc ấy, bỗng thấy vui trong lòng.

Ảnh minh họa: Internet

Trên đường đời, người ta thường hay lướt qua nhau. Ai đó dừng lại bên nhau trong niềm cảm thông, dẫu bé nhỏ, thật quý giá biết bao.

Hãy để con khóc. Rồi các con sẽ biết cảm thông khi thấy ai đó rơi nước mắt. E rằng dạy trẻ trai không được khóc sẽ khiến con không đủ bình tĩnh, cảm thông và không biết cách an ủi nếu sau này chứng kiến bạn gái, mẹ mình hay một ai đó khóc.

Người mạnh mẽ là người biết chia sẻ, thông cảm và yêu thương, chứ không phải là trơ trơ trước mọi chuyện. Đàn ông có khóc, vẫn mạnh mẽ. Không việc gì phải lo.