Theo thông tin báo Sức khỏe và Đời sống, vào lúc 09h30 ngày 20/06/2023, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam tiếp nhận thai phụ từ tuyến dưới chuyển đến với chẩn đoán thai con so 35 tuần, ngưng phát triển trong lòng tử cung.

Trước tình trạng bệnh nhân da niêm mạc nhợt nhạt, tim thai âm tính, go tử cung cường tính, máu âm đạo ra lượng nhiều, máu cục lẫn máu đông nhận thấy đây là trường hợp nhau bong non nên được hội chẩn chuyển mổ cấp cứu

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật, vào ổ bụng, các bác sĩ thấy máu loãng, máu cục đỏ sẫm nằm sau bánh nhau và trong âm đạo, lượng nhiều, rối loạn đông máu tử cung, vòi tử cung, buồng trứng 2 bên bị phong huyết nhiều, nhận định đây là thể phong huyết tử cung nhau (thể nặng nhất của nhau bong non).

BSCKII. Nguyễn Đức Hùng Sơn - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: "Trước tình huống ngàn cân treo sợi tóc lúc đó, một ý niệm duy nhất hiện diện trong đầu tôi là… phải cứu sống bằng được người bệnh và cố gắng bảo tổn tử cung của sản phụ. Bởi thực tế là tử cung của sản phụ bị tụ huyết nhiều vị trí, toàn bộ phần đáy tử cung tím đen do máu tụ.

Các bác sĩ đã phẫu thuật cứu sống sản phụ - Ảnh: Sức khỏe và Đời sống
Bánh nhau và nhiều máu cục được lấy ra - Ảnh : Sức khỏe và Đời sống

Vì sản phụ còn quá trẻ, mới vừa tròn 18 tuổi, mang thai lần đầu, ê kíp phẫu thuật quyết tâm bằng mọi giá bảo tồn tử cung cho sản phụ để sản phụ có cơ hội mang thai sau này. Chúng tôi đã sử dụng nhiều phương pháp để bảo tồn tử cung cho sản phụ như: điều chỉnh rối loạn đông cầm máu, loại bỏ huyết khối máu tụ

BSCKII Nguyễn Đức Hùng Sơn cho biết thêm, trong quá trình phẫu thuật, do người bệnh mất máu nhiều nên bệnh nhân có chỉ định truyền máu toàn phần bồi hoàn cấp cứu ngay lập tức. Tuy nhiên bệnh nhân thuộc nhóm máu AB nhưng không đủ nguồn máu dự trữ trong ngân hàng, rất may có một số bác sĩ bệnh viện và các tình nguyện viên Câu lạc bộ máu nóng Quảng Nam Từ Tâm Nhiên có cùng nhóm máu này đã tình nguyện hiến máu cứu sản phụ

Nhau bong non là gì?

Nhau thai phát triển trong tử cung khi mang thai, bám vào thành tử cung và cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi.

Nhau bong non xảy ra khi nhau thai tách một phần hoặc hoàn toàn khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Điều này có thể làm giảm hoặc chặn nguồn cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi và gây chảy máu nhiều ở thai phụ.

Hình ảnh nhau bong non - Ảnh minh họa: Sức khỏe và Đời sống

Các biến chứng nhau bong non

Nhau bong non có thể gây ra các vấn đề nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Đối với người mẹ, nhau bong non có thể dẫn đến tình trạng sốc do mất máu. Thai phụ có thể gặp các vấn đề về đông máu, có nguy cơ suy thận hoặc các cơ quan khác do mất máu. Đối với thai nhi, bong nhau thai có thể làm thai nhi hạn chế tăng trưởng do không nhận đủ chất dinh dưỡng, không nhận đủ oxy dẫn đến sinh non, thai chết lưu.

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Khi thấy các dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhau bong non cần đi khám hoặc liên với bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân của nhau bong non có thể bao gồm chấn thương hoặc chấn thương vùng bụng như do tai nạn, ngã hoặc mất nhanh chóng chất lỏng bao quanh và nước ối trong tử cung.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhau bong non ở phụ nữ mang thai bao gồm:

- Nhau bong non trong lần mang thai trước không phải do chấn thương bụng

- Huyết áp cao mạn tính (tăng huyết áp)

- Các vấn đề liên quan đến tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tiền sản giật, hội chứng HELLP hoặc sản giật

- Bị ngã, va đập hoặc bị đánh vào bụng

- Thai phụ hút thuốc

- Sử dụng cocaine trong thời kỳ mang thai

- Vỡ ối sớm, gây rò rỉ nước ối trước khi kết thúc thai kỳ

- Nhiễm trùng bên trong tử cung khi mang thai

- Lớn tuổi, đặc biệt là trên 40 tuổi.