Rất nhiều bậc phụ huynh từng gặp phải vấn đề con vòi vĩnh, nhất quyết bắt mua đồ theo ý muốn của con mỗi khi đi trung tâm thương mại. Đứa trẻ sẽ gào khóc, ăn vạ ngay chỗ đông người nếu không được đáp ứng. Tình huống này dễ khiến cha mẹ mất bình tĩnh trước đám đông và có thể nói hoặc làm những điều gây tổn hại đến thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Thế nhưng, cách hành xử dưới đây cả một bà mẹ đáng để mọi người học tập theo.

Con trai chị Tingting - một bà mẹ người Trung Quốc năm nay 6 tuổi, ở độ tuổi rất thích chơi đùa. Hôm ấy, chị Tingting đưa con đi mua quần áo nhưng khi đi ngang qua khu bán đồ chơi, cậu bé đã nhất quyết không chịu rời đi. Cậu con trai chỉ vào một chiếc ô tô đồ chơi và nói với mẹ: “Con muốn mang nó về nhà, nếu không có nó con sẽ không về đâu”.

 

Trẻ đòi mua đồ chơi khi đi siêu thị là câu chuyện rất nhiều phụ huynh gặp phải (Ảnh minh họa)

Tingting im lặng một lúc rồi chậm rãi nói: Con trai, con hãy nghĩ xem, có chiếc xe nào giống hệt như thế này ở nhà không? Con thấy không, nó giống hệt chiếc xe ở nhà của con, chỉ khác màu thôi mà. Nếu con mang đồ chơi mới này về, chiếc xe ở nhà sẽ buồn lắm đó. Nó sẽ nghĩ con không thích nó nữa. Hôm qua con đã nói rằng đó là món đồ tốt nhất của con, là người bạn tuyệt vời nhất mà”

Khi người con trai nghe thấy điều này, cậu bé im lặng và không làm ầm ĩ, không đòi mua xe nữa. Chứng kiến câu chuyện này, chủ cửa hàng hết lời khen ngợi người mẹ.

Người mẹ đã khéo léo dỗ con mình từ bỏ ý định đòi mua bằng được đồ chơi mặc dù ở nhà đã có rồi. Cậu bé ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ nhờ được nhẹ nhàng khuyên bảo (Ảnh minh họa)

Có một thực tế là mặc dù thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay vô cùng phong phú, đa dạng nhưng đa số các bé trai, bé gái luôn có những sở thích nhất định với một loại đồ chơi nào đó, ví dụ như con gái thích búp bê, rất nhiều búp bê khác nhau, con trai thích ô tô, máy bay… Đó là lí do ngay cả khi đã có những món đồ tương tự như thế rồi thì mỗi lần đi siêu thị, đi trung tâm thương mại chúng vẫn đòi mua những thứ đó.

Vậy tại sao trẻ em lại hay đòi mua đồ chơi mặc dù chúng đã có nó ở nhà rồi? Có một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, có quá nhiều đồ chơi ở nhà

Rõ ràng thời nay, trẻ em ở nhà đều là bảo bối, cha mẹ sẽ mua bất cứ món đồ gì mà con mình thích để bổ sung vào khối đồ chơi quá nhiều của con. Chính điều này đã khiến trẻ không thể nhớ hết mình có những gì ở nhà và đòi mua món đồ chơi tương tự.

Có quá nhiều đồ chơi ở nhà cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ không thể nhớ hết được những gì mình đang có và đòi mua lại những thứ tương tự (Ảnh minh họa)

Thứ hai, đứa trẻ có một kiểu yêu thích cố định

Sau khi lớn lên và trở thành đàn ông, nhiều bé trai cũng thích chơi ô tô và coi việc mua một chiếc ô tô hạng sang là ước mơ cả đời của mình, vì vậy có thể trẻ sẽ thích một món đồ chơi nào đó và sau đó sẽ thích thú với tất cả các loại ô tô. Về cơ bản chúng không bận tâm tới những món đồ chơi khác mà chỉ nằng nặc đòi những thứ mà dù mình có nhiều rồi nhưng vẫn không là đủ.

Thứ ba, trẻ có tính cách bướng bỉnh

Khi gặp món đồ chơi mình thích trong trung tâm thương mại, trẻ không chịu rời đi và nằng nặc đòi bố mẹ mua còn có thể xuất phát từ tính cách của trẻ. Đòi mua bằng được món đồ đó không hẳn là vì trẻ thích mà chính là vì bố mẹ không đồng ý mua cho nên trẻ càng nhất quyết muốn có được. Nó là biểu hiện của tính cố chấp, ương bướng trong tính cách.

Trong tình huống tương tự, cha mẹ nên xử lý thế nào cho đúng?

Đòi mua bằng được món đồ đó không hẳn là vì trẻ thích mà chính là vì bố mẹ không đồng ý mua cho nên trẻ càng nhất quyết muốn có được. Nó là biểu hiện của tính cố chấp, ương bướng trong tính cách. (Ảnh minh họa)

Đầu tiên, đừng dễ dàng thỏa hiệp

Nhiều bố mẹ có thể làm căng lúc ban đầu, quả quyết sẽ không mua đồ chơi mà chỉ đi siêu thị để mua sắm thực phẩm và những món đồ cần thiết khác cho gia đình. Thế nhưng, khi ở chỗ đông người, cảnh tượng con gào khóc, ăn vạ, gây ồn ào khiến nhiều người không chịu đựng nổi và đành thỏa hiệp. Chính việc vòi vĩnh 1 lần và được đáp lại như vậy sẽ tạo cho trẻ thói quen mỗi khi muốn có thứ gì trẻ sẽ áp dụng chiêu gào khóc như thế.

Thứ hai, bố mẹ phải giao tiếp nhẹ nhàng với con

Nhiều bậc cha mẹ thấy con mình khóc như vậy ở nơi công cộng, phản ứng đầu tiên của họ là cảm thấy thật đáng xấu hổ. Họ sẽ hoặc là đánh hoặc là mắng con mình. Nhưng thực tế là càng làm thế thì lại càng không có tác dụng. Trẻ càng gào khóc và bướng bỉnh hơn. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên giao tiếp nhẹ nhàng với con của mình.

Bản chất của mọi đứa trẻ là thích chơi, vì vậy khi nhìn thấy đồ chơi yêu thích của mình, chúng không thể cầm lòng được cũng là điều dễ hiểu. Nếu cha mẹ không có cách giải quyết đúng, rất có thể trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương, trở nên bướng bỉnh và bất lịch sự hơn ở chỗ đông người.