Con gái 2 tuổi có dấu hiệu này trên cơ thể, mẹ “chẩn đoán” dậy thì sớm khiến bác sĩ phải nhắc một điều
Chị Phạm Mỹ Ngọc (32 tuổi, ở Hải Dương) có con gái 2 tuổi khỏe mạnh và đã đi học tại một nhà trẻ gần nhà. Mới đây, chị Ngọc chia sẻ lên một hội nhóm cha mẹ về nỗi lo con gái 2 tuổi đã dậy thì. Người mẹ cho biết, con gái chị đang mọc nhiều lông tơ ở mặt, trán và lưng. Khi lên mạng tìm hiểu, chị đọc được bài viết của một chủ tiệm thuốc nói về một bé gái mọc nhiều lông do uống thuốc có chứa corticoid kéo dài và bị dậy thì sớm.
Bé gái mọc nhiều lông được người bán thuốc chia sẻ (bên trái) và con gái chị Ngọc (bên phải).
Trong bài viết, người bán thuốc cảnh báo, cha mẹ khi mua thuốc hay các sản phẩm giúp trẻ ăn ngon thì cần theo chỉ định của bác sĩ, không cho con uống theo trào lưu. “Không phải cứ nghe người ta nói hay mà đã đúng đâu ạ. Thật giả bây giờ lẫn lộn lắm mọi người ạ”, người bán thuốc viết.
Sau khi đọc bài viết, đối chiếu với tình trạng của con gái mình, chị Ngọc loại trừ khả năng con sử dụng thuốc chứa corticoid, và cho rằng việc bé mọc lông nhiều là đã dậy thì sớm, dù trẻ không có các biểu hiện của tình trạng này. Chị đã rất lo lắng, thương con gái vì bé còn quá nhỏ.
Khi đưa con đi khám dậy thì sớm, chị Ngọc được bác sĩ cho biết, con gái chị có sức khỏe bình thường. Xem ở những vị trí mọc nhiều lông tơ của bé gái, vị bác sĩ nói, tình trạng này là bình thường ở trẻ nhỏ, nhưng cần theo dõi thêm.
Sau khi đọc bài chia sẻ và xem hình ảnh của con gái mà chị Ngọc chia sẻ, ai cũng đồng cảm với sự lo lắng của người mẹ nhưng hầu hết mọi người khuyên chị không nên quá tin tưởng các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, mà hãy biết xem có chọn lọc hơn.
Hãy xem thông tin có chọn lọc, nhất là thông tin trên mạng xã hội
Một người mẹ đang có con trong độ tuổi dậy thì viết: “Dậy thì sớm ở trẻ có rất nhiều biểu hiện. Nếu đột nhiên con xuất hiện triệu chứng thì mới lo. Tôi nghĩ, chị nên bớt “chẩn đoán” bệnh của con theo mạng xã hội, mà hãy xem có chọn lọc. Bây giờ, có rất nhiều thông tin được chia sẻ chưa chính xác, mình xem cần phải xác minh. Khi con bị các triệu chứng bệnh thì hãy đưa đi khám bác sĩ. Chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán bệnh được”.
Theo các bác sĩ, rất hiếm trẻ dậy thì khi mới 2 tuổi. Ảnh minh họa.
Dậy thì sớm ở trẻ là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát, đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường. Th.BS Nguyễn Đức Quang, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện nay, dậy thì sớm ở trẻ đang có khuynh hướng ngày càng sớm so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây. Theo đó, tuổi dậy thì sớm ở bé gái là trước 8 tuổi và trước 9 tuổi ở bé trai.
Bác sĩ Quang cho rằng, một bé gái nghi ngờ dậy thì sớm nếu bé xuất hiện các đặc tính như: ngực phát triển, mọc lông mu và lông nách, bắt đầu có mùi cơ thể, xuất hiện mụn trứng cá trước 8 tuổi và có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trước 9,5 tuổi.
Theo bác sĩ Quang, dậy thì sớm ở bé gái không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ mà còn có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tình trạng này đang ngày càng phổ biến và được nhiều cha mẹ quan tâm, tìm kiếm thông tin qua báo, đài, internet… Tuy nhiên, khi xem các thông tin chia sẻ, cha mẹ nên chọn lọc và tìm kiếm ở những địa chỉ uy tín. Khi trẻ có dấu hiệu hoặc nghi ngờ dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa đến bệnh viện để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị sớm, không nên tự chẩn đoán cho con để thêm lo lắng, có những việc làm không đúng.
Để phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, phù hợp độ tuổi của trẻ. Trong đó, trẻ cần được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết gồm: chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất… để cơ thể phát triển toàn diện, trong đó ưu tiên rau xanh, trái cây tươi. Đặc biệt, trẻ nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng.
Ngoài xây dựng cho con lối sống lành mạnh, cha mẹ nên xem thông tin có chọn lọc hơn. Ảnh minh họa.
- Xây dựng cho trẻ thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên. Trẻ cần tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng, từ đó, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe khoắn, tăng sức đề kháng. Một số bộ môn thể thao được khuyến khích cho trẻ như bơi lội, nhảy dây, đá cầu, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ…
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm, mỹ phẩm, thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa estrogen hoặc testosterone hay các chất có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh các loại hormone dẫn đến dậy thì sớm.
- Kiểm soát cân nặng của trẻ, tránh để trẻ thừa cân, béo phì. Một số nghiên cứu cho thấy béo phì là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh viễn vì loại đồ ăn được giới trẻ cực ưa chuộng.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình để có cách chữa giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia đình và mặc dù không có cách tiếp cận chung nào cho tất cả nhưng các bậc cha mẹ thành công thường có những đặc điểm chung nhất định trong việc nuôi dạy con cái.
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở trong nhà, dán mắt vào màn hình hơn là chơi bên ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù công nghệ có những ưu điểm nhưng vui chơi ngoài trời rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và cảm xúc của trẻ.