Mất cả buổi sáng để lướt Facebook

Tính chất công việc của chị Thanh Hà, một dân văn phòng tại Q. Cầu Giấy, Hà Nội liên quan rất nhiều đến Facebook, internet. Cứ mở điện thoại, máy tính là chị phải vào Facebook đầu tiên để cập nhật thông tin.

Lợi ích cho công việc rất nhiều nhưng mặt hại là khá tốn thời gian và “hại não”. Nhiều hôm đang làm việc, tự nhủ chỉ ngó qua Facebook một chút thôi nhưng chị không ngờ quên luôn việc đang làm. Có những hôm “đi tong” cả buổi sáng, chị không làm được việc gì nên hồn chỉ vì lướt Facebook.

Nhiều người thú nhận họ đang lệ thuộc vào Facebook. Ảnh minh họa.

“Hôm nào mạng trục trặc, không vào được Facebook, tôi có cảm giác lo lắng, bồn chồn như đang bị cả thế giới “bỏ rơi” phía sau.

Biết là mất thời gian nhưng khó bỏ. Có chị đồng nghiệp nghiện Facebook đến mức đêm dậy đi vệ sinh cũng phải… check Facebook và sau đó khó ngủ lại. Tôi nghĩ, cái gì cũng có hai mặt của nó.

Bản thân Facebook không có lỗi, lỗi là do sự lạm dụng, không kiểm soát của người dùng. Họ có tự kiểm soát, sắp xếp được mọi thứ hay không mà thôi!”, chị Hà bày tỏ.

Không chỉ ở văn phòng mà ngay cả tại gia đình, cứ đến bất cứ nhà nào cũng dễ dàng gặp cảnh những đứa trẻ mỗi đứa ngồi một góc, chăm chú vào điện thoại, ipad lướt youtube, chơi điện tử. Còn bố mẹ cũng tương tự: mỗi người “ôm” một chiếc điện thoại, thích thú với thế giới của riêng mình. 

Thậm chí, vợ chồng ở cùng nhà nhưng phải nói chuyện qua zalo, inbox vì nói chuyện trực tiếp… không tiện!

Chị Thanh Ngọc, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội có lần phải thốt lên với chồng: “Anh không buông điện thoại xuống nói chuyện với em được sao?”. Lập tức chồng chị cũng phản pháo: “Từ nãy giờ em lướt Facebook còn nói ai? Cái gì cũng quăng lên Facebook, con thì không trông”.

Chỉ vì “ôm” cái điện thoại, hai vợ chồng Thanh sinh ra hục hặc, cãi cọ.

Facebook đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Nhưng lạm dụng, sử dụng một cách không kiểm soát, người dùng sẽ phải gánh chịu những hệ lụy sức khỏe, tinh thần khôn lường.

Co giật, bỏ học khi “cai” Facebook

TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định mặc dù hiện nghiện Facebook chưa có mã bệnh, chưa có bệnh nhân phải chính thức nhập viện để điều trị chứng nghiện Facebook. Nhưng thực tế tư vấn, điều trị cho thấy, các bác sĩ tại Viện đã gặp rất nhiều trường hợp có mối liên quan rõ rệt giữa lạm dụng Facebook và rối loạn tâm thần.

TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thu Hà

TS. Doãn Phương từng gặp một người mẹ tại Hà Nội đưa con gái 14 tuổi đến Viện Sức khỏe tâm thần trong tâm trạng vô cùng lo lắng. “Cháu sử dụng Facebook tới 10 tiếng mỗi ngày. Đi học về là cháu ở lì trong phòng ôm máy tính, không quan tâm đến bất cứ việc gì nữa. Gia đình quá bực bội đã tịch thu điện thoại của cháu. Cháu phản ứng lên cơn co giật. Gia đình không biết phải làm sao nữa?”, người mẹ tâm sự.

Tiếp nhận trường hợp này, TS. Doãn Phương rất băn khoăn. Bởi bệnh nhân vẫn cần sử dụng Facebook một cách vừa phải để kiểm soát co giật, bên cạnh uống thuốc. Mặt khác, gia đình phải kết hợp khuyên bảo giúp cháu bé biết tự giác kiểm soát thói quen vào mạng.

Một trường hợp khác, nam sinh viên 20 tuổi cũng được người nhà đưa đến Viện trong tình cảnh bị đuổi học. Khai thác bệnh sử, nam sinh viên cho biết em sử dụng máy tính từ khi vào cấp ba. Khi em thi đỗ vào một trường Đại học danh tiếng tại Hà Nội, gia đình “thưởng” laptop, điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của gia đình. Cuộc sống xa nhà, không bị ai quản lý đã tạo điều kiện cho nam sinh này sa đà vào internet. Mỗi ngày em vào mạng từ 8 – 10 tiếng đồng hồ, chủ yếu chơi điện tử, lướt Facebook thay vì học hành. Lười học, liên tục bị điểm “liệt”,  đã bị nhà trường cho thôi học.

Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thấy em có dấu hiệu trầm cảm nhẹ nên đề nghị bố mẹ cho nam sinh viên về quê, lao động giúp bố mẹ việc đồng áng, việc nhà một thời gian để “cai” Facebook.

Đặc biệt, các bác sĩ tại Viện đã phát hiện trường hợp bệnh nhân lệ thuộc vào Facebook đến nỗi trong đầu luôn có ảo thanh thúc giục “Hãy chơi đi”.

“Cháu cả ngày ở lì trong phòng, chỉ sử dụng Facebook. Gia đình hỏi gì cũng không trả lời. Đến bữa thì xuống ăn. Qua thăm khám, trò chuyện, chúng tôi phát hiện thấy cháu có chứng tăng cường ảo giác, như có người nói “Hãy chơi đi”. Ảo thanh nhiều nhất vào lúc chạng vạng chiều tối. Đó là lý do vì sao cháu không thể thoát khỏi Facebook, điện thoại. Chúng tôi cho cháu sử dụng thuốc chống loạn thần thì hết triệu chứng trên”, TS. Doãn Phương kể.

“Sống ảo” nhưng hậu quả là thật. Theo TS. Phương, hậu quả gặp phải do nghiện Facebook sẽ khiến người bệnh mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút mối quan hệ thật do “sống ảo”, ảnh hưởng công việc, học tập. Có người bệnh tâm sự họ đã bị nhà trường đuổi học, cơ quan cho nghỉ việc chỉ vì nghiện Facebook.