Bốn tháng sau khi tạt axit mới dám soi gương

Vào cuối tháng 3 năm 2018, câu chuyện chị Đặng Thị Thanh Huyền (SN 1985, trú tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị chồng cũ là Phạm Văn Thông (SN 1983) dùng axit tạt lên người khiến dư luận rúng động.

Sau khi gây án, bị can Phạm Văn Thông bị toà kết án 7 năm tù giam. Kẻ ác phải trả giá, tuy nhiên hành động trả thù tàn độc bằng axit đã khiến cuộc sống của mẹ con chị Huyền đảo lộn.

Kể từ khi bị tạt axit, chị Huyền hứng chịu chuỗi ngày đau đớn trên giường bệnh. Một năm nay, chị cũng không dám ra đường vì sợ câu nói vô tình của người lạ làm chị bị tổn thương.

Chị Huyền từng là một cô giáo xinh đẹp trước khi bị axit tàn phá gương mặt. Ảnh: NVCC

Rất nhiều lần trong cuộc trò chuyện với PV Phụ nữ Sức khỏe, chị Huyền phải ngừng lại vì không kìm được những giọt nước mắt. Cho tới nay, sau hơn 1 năm sau ngày bị tạt axit, chị vẫn gắn bó với Viện Bỏng Quốc gia để tìm lại gương mặt xinh đẹp đã mất.

Chị đã trải qua 21 lần phẫu thuật ghép da. Chị bảo, như vậy mới đi được 3/5 quãng đường. Hành trình điều trị còn vô cùng chông gai và chị cũng chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Hành động trả thù tàn độc của người chồng đã khiến gương mặt xinh đẹp của chị bị biến dạng. Ảnh: NVCC

Di chứng của việc bị bỏng axit, sẹo co rút khiến chị vẫn đau đớn nhiều, có những lúc nói không được tròn vành rõ chữ vì miệng bị co kéo.

Chị nhớ như in cảm giác lần đầu tiên soi gương, nhìn thấy chính mình sau 4 tháng bị tạt axit. “Sợ tôi bị sốc, suốt bốn tháng đó, mọi người giấu biệt gương, điện thoại và các vật dụng có thể phản chiếu gương mặt. Đến khi tôi sử dụng lại điện thoại, lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt mình, tôi chỉ biết òa khóc nức nở”, chị Huyền nhớ lại.

Vực lại niềm hy vọng

Trong quá trình điều trị, sự mặc cảm cộng với đau đớn khủng khiếp, không ít lần chị Huyền tuyệt vọng “với hình dáng, khuôn mặt thế này thà chết quách đi còn hơn”.

Không ít lần chị nghĩ đến cái chết vì mặc cảm và đau đớn. Ảnh: NVCC

Ý nghĩ về cái chết đã bị chặn đứng lại khi tôi nghĩ đến buổi tối con gái gọi điện sang, hỏi han mẹ, nhìn thấy bố mẹ già tận tụy chăm sóc con trong khi con lớn ngần này vẫn chưa báo hiếu được ngày nào. Rồi các y bác sĩ động viên, chăm sóc quan tâm quá nhiệt tình.

Tất cả đã vực dậy tinh thần tôi, khiến tôi không cho phép mình nghĩ quẩn nữa. Mọi người hết lòng với mình thì mình phải nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng. Còn kẻ đã gây ra tội ác, tôi đã bỏ hết hận thù, coi như anh ta không tồn tại”, chị Huyền giãi bày.

Dù nằm viện nhưng nhiều học sinh của chị vẫn gọi điện hỏi thăm. Các em nói: “Chúng con sẽ chờ cô về”. Đó là một trong những liều thuốc tinh thần giúp chị có thêm nghị lực chống chọi với đau đớn.

“Mình vẫn rất yêu mẹ, dù mẹ có biến dạng thế nào…”

Nhắc về cô con gái nhỏ đang chuẩn bị lên lớp 4, chị Huyền không ít lần rơi nước mắt thì thương nhớ con. Trong suốt hơn 1 năm qua, số lần chị được về nhà với con chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Axit không chỉ hủy hoại gương mặt của chị mà còn khiến mẹ con chị phải xa cách.

"Mình vẫn rất yêu mẹ, dù mặt mẹ có biến dạng thế nào...". Ảnh: NVCC

“Lúc đó vết thương chưa lành nhưng nhớ con quá nên trốn về nhà một đêm rồi hôm sau lại đi ngay. Gọi điện bảo con hôm nay mẹ sẽ về nhà, con mừng lắm. Nhưng lần đầu tiên nhìn thấy mẹ, con đã bị sốc.

Cháu không dám ôm chầm lấy mẹ, vồ vập hỏi han như ngày xưa. Mọi người xúm vào an ủi, xoa bóp chân tay. Còn con thì đứng cách xa hàng mét nhìn mẹ sợ hãi. Mọi người bảo “Mẹ chứ ai mà phải sợ”, nhưng cháu vẫn nhất quyết không lại gần”, chị Huyền kể.

Con gái chịu vào nằm cùng giường chị Huyền nhưng con vẫn sợ, không dám nằm ôm mẹ. Chỉ đến khi mọi người về hết, chỉ còn hai mẹ con, sau khi nghe mẹ tỉ tê chuyện thì con nằm quay mặt vào tường.

Con gái chị đã nói một mình:Mình vẫn rất yêu mẹ, dù mẹ có biến dạng thế nào thì mẹ vẫn là mẹ của mình”. Và sau đó, cháu đã ôm mẹ ngủ bình yên trong vòng tay mẹ. 

Chị nghẹn ngào tâm sự: “Nếu cứ cố sống mãi trong khuôn mặt hoài niệm, không chấp nhận thực tế thì sẽ làm khổ mình, khổ mọi người rất nhiều. Con gái đang tuổi ăn tuổi lớn, rất cần có mẹ ở bên, không ai chăm sóc con tốt bằng mẹ. Vì thế, phải chấp nhận dung mạo thực tại, bằng mọi giá phải cố gắng điều trị để được hồi phục sức khỏe sớm nhất và trở về nhà với con”.